Thái
độ im lặng của các giám mục Việt Nam
Nguyễn Chính Kết
Tôi viết bài này vì thấy sau khi Đức
Giám mục Nguyễn Sơn Lâm qua đời (9-6-2003), có nhiều người phê phán ngài quá nặng
lời, và cũng có những người bênh vực ngài như thể ngài không đáng chê trách một
tí nào. Tôi thiết tưởng cả hai thái độ đó hoặc là không đúng với tinh thần tôn
trọng sự thật hoặc là thiếu tinh thần công bằng và bác ái. Tôi nghĩ chúng ta cần
có một cái nhìn quân bình, trung dung, hiểu biết, thông cảm và tôn trọng sự kiện
hơn.
Quả thật, không ai có thể phán
đoán đúng tình trạng tội hay phúc của một người. Trong lịch sử, có biết bao người
«tình ngay lý gian» đã bị kết án oan uổng và nặng nề.
Và cũng có biết bao người được ca tụng vì một vài hành động nào đó được cắt
nghĩa là rất tốt đang khi họ bị thúc đẩy bởi những mục đích xấu. Oan nào bằng
oan Thị Kính, bằng chứng rành rành ra là bà muốn giết chồng, nhưng lúc đó ai chứng
tỏ được lòng thành của bà? Vì thế, rất có thể những giám mục Việt Nam đang bị kết
án là thân Cộng, là làm tay sai cho CS hiện nay hoàn toàn bị oan mà không biết
giải oan cách nào. Thôi thì đành ngậm đắng nuốt cay, chịu khó «vác thánh giá» vì Chúa! Đời giám mục phải chịu những oan khiên như thế là
chuyện thường!
Trong hoàn cảnh đất nước và Giáo Hội
Việt Nam hiện nay, các giám mục phải đối diện với một tình trạng vô cùng tế nhị,
khó xử và khó hiểu (nghĩa là người ngoài cuộc khó mà hiểu được!) đồng thời phải
lựa chọn cho mình một thái độ vừa khôn ngoan vừa phù hợp với tinh thần của Đức
Kitô. Khó xử vì phải bảo toàn được cả hai giá trị:
– một đằng là phải làm chứng cho
Chúa Kitô, cho sự thật, cho công lý; tóm lại là những gì liên quan đến bản chất
Kitô giáo.
– đằng khác không những phải bảo vệ
được đoàn chiên mà còn làm cho đàn chiên được phát triển và sống dồi dào; tóm lại
là những gì liên quan đến đời sống hay sinh hoạt Kitô hữu.
Cả hai giá trị ấy đều quan trọng,
đều buộc lương tâm các giám mục ngang nhau. Điều khiến các giám mục hết sức khó
xử là hễ đặt nặng giá trị này thì lại buộc phải «có vẻ như» coi nhẹ
giá trị kia, và ngược lại. Đây đúng là một xung đột giữa hai bổn phận ngang
nhau!
Hễ dám nói thẳng nói thật, dám
bênh vực công lý và lẽ phải, thì phải trả giá chẳng những bằng sự hy sinh của bản
thân mình (điều này nhiều giám mục chấp nhận dễ dàng), mà còn gây khó khăn cho
giáo hội mà mình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc (điều này thật khó chấp nhận).
Giám mục Nguyễn Kim Điền là một tấm gương cho sự lựa chọn này. Và cái giá mà vị
giám mục này phải trả chẳng phải chỉ là sự khó khăn, đau đớn và cái chết cho bản
thân mình, mà toàn giáo phận Huế phải cùng chịu khó khăn và thiệt hại với Ngài.
Chủng viện không được mở, không có linh mục mới, việc bổ nhiệm linh mục về các
nhiệm sở theo nhu cầu không thực hiện được, các linh mục không được cử hành phụng
vụ hay làm mục vụ ở nhiều nơi khiến giáo dân ở những nơi đó thiếu thốn những
phương tiện tâm linh cần thiết, v.v… Những thiệt hại ấy không phải là nhỏ. Phần
nào ngài đã đánh giá bản chất Kitô giáo quan trọng hơn đời sống hay sinh hoạt
Kitô hữu!
Trái lại, muốn tránh những thiệt hại
to lớn ấy cho Giáo Hội, muốn Giáo Hội dễ thở và có thể phát triển, thì phải biết
mềm dẻo, nhượng bộ, nghĩa là phải trả giá bằng sự im lặng hay bất động trước những
điều mà cứ bình thường thì lương tâm buộc phải lên tiếng hay can thiệp. Các
giám mục Việt Nam
nói chung đã chọn cách ứng xử này. Phần nào các ngài đã đặt nặng đời sống hay
sinh hoạt Kitô hữu hơn bản chất Kitô giáo! Điều này có phần làm lu mờ chân tính
của Kitô giáo và trở nên gương mù gương xấu cho mọi người, đặc biệt cho những
ai chỉ biết suy nghĩ một chiều. Cũng chính vì gương mù này mà các giám mục đã bị
chỉ trích rất nhiều. Riêng về mặt cá nhân, chắc chắn các ngài cũng bị lương tâm
cắn rứt ít nhiều, nhất là những giám mục có ít nhiều tính bối rối (crupuleux).
Theo tôi nghĩ, không hẳn cách nào
đã hay hơn cách nào, mà cách hay nhất là biết dung hòa cả hai thái cực ấy, đừng
dứt khoát nghiêng hẳn về một cách nào. Hãy áp dụng nguyên tắc «trong nhu có cương, mà trong cương có nhu», hoặc khi
cương khi nhu tùy thời, để cứng mà không rắn, nhu mà không nhược.
Để hiểu các giám mục hơn, ta cần
biết: khi quyết định một điều gì, các giám mục phải cân nhắc sự lợi hại, sự hợp
thời, phải biết hy sinh cái lợi nhỏ cho cái lợi lớn, chấp nhận cái hại nhỏ để
tránh cái hại lớn, v.v… Tôi xin đưa ra một trường hợp cụ thể vừa xảy ra mà tôi
cũng là một người trong cuộc, để mọi người cùng suy nghĩ và cảm thông.
Tôi rất thao thức trước tình trạng
hiện nay của ba cháu cha Lý, và rất băn khoăn khi đọc bản cáo trạng của Viện Kiểm
Sát Nhân Dân thành phố về tội phạm của ba cháu. Theo tôi xét thì ba cháu hoàn
toàn vô tội, tất cả những việc làm của ba cháu mà bản cáo trạng kể ra đều không
vượt ra khỏi những quyền tự do của một người dân đã được chính luật pháp cho
phép. Vì thế, tôi cũng tích cực giúp giải oan cho ba cháu. Khi nhà nước đòi buộc
hai luật gia biện hộ cho ba cháu – là Mục sư Nguyễn Hồng Quang và Giáo sĩ
Trương Trí Hiền – phải có giấy giới thiệu hay ủy quyền của một cơ quan hay một
tổ chức tôn giáo, thì gia đình ba cháu đã nhờ tôi gặp Đức Tổng Giám mục Sàigòn
để xin ngài giới thiệu.
Và tôi đã gặp Đức Tổng với thư của
Mục sư Quang và Giáo sĩ Hiền, và tôi biết khi làm điều này là tôi đã đem đến
cho ngài một hoàn cảnh khó xử. Nhưng theo lương tâm, tôi không thể không làm. Đức
Tổng đã từ chối. Tôi nghĩ rằng uy tín của mình chưa đủ mạnh, nên đã xin cha
Chân Tín đến gặp ngài nói thêm cho một lời, may ra hữu hiệu hơn. Nhưng ngài
cũng vẫn từ chối, lý do rất chính đáng là ngài chưa hề biết gì về hai luật gia
này, nên việc giới thiệu có một cái gì đó không ổn và không đúng.
Tôi còn nghĩ: biết đâu lúc đó Đức
Tổng đang có một dự tính khá quan trọng nào đó nhằm ích lợi cho giáo phận mà
nhà nước có đồng ý thì mới thực hiện được, ngài không thể vì một chuyện tương đối
nhỏ mà hy sinh một chuyện lớn lao hơn nhiều. Vì thế, tôi rất thông cảm với lời
từ chối, với sự suy nghĩ và với những khó khăn của ngài. Đương nhiên ngài cũng
biết rằng khi quyết định như vậy thì dư luận – nhất là ở nước ngoài – sẽ không
mấy thông cảm với ngài. Riêng tôi, tôi cho rằng ngài quyết định như vậy là khôn
ngoan chứ không phải là hèn nhát. Ngài đã từng chứng tỏ mình không hề hèn nhát!
Trở về vấn đề hai cách lựa chọn
nói trên, ta thấy cách nào cũng có cái hay và cái dở, cái lợi và cái hại của
nó, chẳng cách nào vẹn toàn. Để được mặt này thì phải chấp nhận mất mặt kia. Tại
sao vậy? Vì chúng ta đang sống trong một thế giới tương đối, khiến người ta
không thể làm một điều tốt – với hy vọng có được những kết quả tốt – mà lại
không chịu chấp nhận một số những hậu quả xấu đi kèm. Xét về mặt kết quả hay hậu
quả, có những việc tốt nhiều xấu ít, có những việc tốt ít xấu nhiều, và cũng có
những việc tốt xấu ngang nhau. Vì thế, khi quyết định việc gì, người khôn ngoan
sẽ phải cân nhắc, phải biết «cộng, trừ, nhân, chia» xem cái lợi
mình đạt được có bù đắp được cái hại mình gây ra hay không. Trong luân lý Kitô
giáo, việc cân nhắc lợi hại này được gọi là «nguyên tắc
song hiệu» (principe
de double effet).
Đương nhiên người ta không thế có
cùng một cái nhìn như nhau khi xét cùng một vấn đề, nên mỗi người có thể đi đến
quyết định khác nhau: «bá nhân bá tính» mà! Để
phán đoán những quyết định khác nhau này xem cái nào khôn ngoan hơn cái nào
không phải luôn luôn đơn giản hoặc dễ dàng. Tùy theo cách suy nghĩ của từng người
mà người này thiên về cách lựa chọn này, người kia thiên về cách kia. Cách suy
nghĩ ấy tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố cá nhân (khuynh hướng và tính khí bẩm
sinh, trình độ tâm linh và văn hóa, khả năng và hoàn cảnh riêng, v.v…) Một điều
chắc chắn là ai cũng chủ quan cho mình là đúng, cho tới khi nào có một yếu tố
hay biến cố nào đó giúp mình thấy mình sai.
Vì thế, để phán xét việc làm của
các giám mục trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, thiết tưởng chúng ta cần phải
dè dặt, và không nên xét đoán quá đơn giản và vội vàng, nhất là khi chưa nắm vững
được tình trạng khó khăn, phức tạp và khó xử của các ngài. Tuy nhiên, không phải
vì thế mà ta không thể phán xét ai. Chỉ có một điều ta phải coi chừng kẻo phán
xét của mình chủ quan, thiên lệch, gây oan ức.
Tôi cũng là một người trong cuộc,
tôi cũng phải cân nhắc rất nhiều khi hành động. Và điều tôi thấy rất rõ là: khó
mà xác định được ranh giới giữa khôn ngoan và hèn nhát, cũng như giữa can đảm
và ngu xuẩn. Nghĩa là nếu không khéo thì khôn ngoan quá có thể hóa thành hèn
nhát, hoặc can đảm quá hóa thành ngu xuẩn. Vì thế, người ta có thể lấy cớ khôn
ngoan để mà hèn nhát, hoặc khen những người hèn nhát là khôn ngoan, và chê những
người can đảm là ngu xuẩn.
Tôi cứ xét trường hợp riêng của
tôi là hiểu được hoàn cảnh khó khăn của các giám mục. Tôi cũng có một gia đình
mà tôi có trách nhiệm phải bảo vệ, nuôi dưỡng và làm thăng tiến, tương tự như mỗi
ngài đều có một giáo hội địa phương phải bảo vệ, dưỡng nuôi và chăm sóc. Khi
tôi lên tiếng cho tự do tôn giáo trên internet thì hai tháng sau là tôi gặp khó
khăn ngay. Bị mời làm việc nhiều lần, bị xét nhà, bị tịch thu máy vi tính và
nhiều sách vở, tài liệu, phần mềm, điện thoại và internet đều bị cúp. Điều nguy
hiểm nhất là những việc tôi làm để sinh sống nuôi gia đình đều bị mất hết (những
tu viện mà tôi đang dạy triết đều không dám nhờ tôi dạy nữa, những nơi hay mời
tôi thuyết trình không dám mời nữa, báo chí cũng không dám đăng bài của tôi nữa,
v.v…), việc giao thiệp bạn bè cũng bị trở ngại.
Những việc tôi đang làm giúp Giáo
Hội (trong hội đoàn, trong ban này ban kia (commitees) của giáo phận hay của
HĐGM) đều bị đình chỉ… Chẳng hạn đang làm trưởng một hội đoàn tại Việt Nam thì tôi phải
tự nguyện từ nhiệm để hội đoàn khỏi bị liên lụy. Đúng ra tôi phải nghĩ nhiều đến
những thiệt hại về vấn đề kinh tế gia đình, về những việc tôi đang giúp Giáo Hội,
trước khi lên tiếng dấn thân. Đáng lẽ tôi phải nghĩ nếu mình bị bắt và tù một
vài năm hay một chục năm thì gia đình mình sẽ bất hạnh thế nào? Nhưng nếu tôi đắn
đo quá như vậy thì chắc chắn tôi đã không dám lên tiếng. Tôi dám lên tiếng chỉ
vì sự bức xúc quá độ làm tôi không lường tới được những hậu quả về kinh tế của
việc lên tiếng ấy. Vả lại tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm về sự quan phòng của
Thiên Chúa trong đời sống mình! Trong việc lên tiếng này, một phần nào có thể
nói là tôi thuộc loại «điếc không sợ súng». Rất nhiều
người thân và bạn bè chê tôi là vô cùng dại dột. Cũng may mà có Chúa quan phòng
đã sửa sai hay bù đắp lại cho sự «dại dột» của tôi.
Ngài đã xếp đặt ngay khiến tôi có những việc khác để làm, nếu không thì gia
đình tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Một vài người trí thức tâm sự với
tôi rằng họ cũng thấy lương tâm cắn rứt khi im lặng, nhưng cứ nghĩ tới việc họ
phải nghỉ dạy học ở trường này trường kia, con cái bị mất việc làm, khiến đời sống
gia đình vốn đã khó khăn lại trở nên khó khăn gấp bội, thì họ không dám. Tôi thấy
họ nghĩ rất đúng, rất hợp lý, và tôi thấy họ khôn ngoan và thận trọng hơn tôi rất
nhiều. Chính tôi, nhiều khi tôi cũng cảm thấy mình đúng là dại dột, nhưng may
thay Chúa vẫn hộ trì tôi và gia đình. Đúng là «lù khù có
ông cù độ mạng»! Chính vì
thế, tôi rất thông cảm với những nhà trí thức vì sự an toàn của gia đình mình
mà đành phải chọn thái độ im lặng bất động để bảo vệ gia đình. Và cũng rất
thông cảm với các giám mục, vì sự an nguy của cộng đồng dân Chúa mà đành phải
chọn thái độ im lặng, bất động.
Đương nhiên tôi chỉ thông cảm chứ
không hoàn toàn đồng quan điểm với họ. Tôi chỉ khác với họ – những người trí thức
nói trên và các giám mục – ở chỗ tôi không thận trọng hoặc khôn ngoan bằng họ,
nói cách khác tôi liều lĩnh hoặc dại dột hơn họ một chút! Cũng khác ở chỗ sự bức
xúc do lương tâm và tình yêu đã làm mờ đi sự khôn ngoan và tính toán của tôi.
Và cũng khác ở chỗ tôi dám phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa hơn! Nhiều
người cho rằng tôi đã tin quá đáng hay mù quáng vào sự quan phòng này! Nhưng
cho đến nay, tôi chưa hề hối hận vì mình đã tin tưởng «mù quáng» như vậy, vì nhờ vậy càng ngày tôi càng cảm nghiệm được rõ rệt
hơn sự quan phòng có thật của Thiên Chúa!
Xin trở lại vấn đề đang bàn. Trên
nguyên tắc là các giám mục có sự suy nghĩ riêng, có hoàn cảnh riêng khiến các
ngài lựa chọn thế này chứ không phải thế kia. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng
các ngài luôn luôn hoặc hoàn toàn có lý khi chọn lựa như thế. Tôi không thể loại
trừ trường hợp là các ngài đã quá khinh thường giá trị này và coi quá trọng giá
trị kia. Hoặc nỗi sợ hãi, tính sợ đau khổ, tính vì lợi ích hay tham vọng cá
nhân đã ảnh hưởng đến cách lựa chọn của các ngài. Trong lịch sử Giáo Hội toàn cầu
đã có biết bao chứng cớ về những sai lầm này, là đặt nặng giá trị này hơn giá
trị kia một cách không hợp lý, và tính yếu đuối, tham vọng cá nhân… của những vị
lãnh đạo Giáo Hội.
Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ rằng trong
những trường hợp có sự xung đột về giá trị như thế, thì mình phải tùy theo hoàn
cảnh mà chọn lựa, không thể chọn một thái độ dứt khoát nào đó từ đầu đến cuối
được. Có những trường hợp im lặng hay bất động thì có lợi hơn là lên tiếng hoặc
can thiệp. Và cũng có những trường hợp lên tiếng hay can thiệp thì có lợi hơn
là im lặng hay bất động. Tôi chỉ thắc mắc một điều là sao mà các giám mục lại
có thể hầu như im lặng từ đầu tới cuối, trong khi có khá nhiều trường hợp lên
tiếng thì có lợi hoặc ít hại hơn là im lặng. Hoặc sao lại có những vị có thể
nói ngược lại chân lý tới 180o trong những trường hợp không nguy hiểm hay không
cần thiết đến nỗi phải làm như thế. Tôi không biết những vị này có chủ trương
hành động theo luân lý hoàn cảnh – morale de situation – mà các vị vẫn thường kết
án không?
Quả thật, có rất nhiều trường hợp
im lặng bất động thì có lợi hơn lên tiếng và hành động. Những lúc đó lên tiếng
và hành động là không sáng suốt. Nhưng cũng có biết bao trường hợp lên tiếng và
hành động thì khôn ngoan và có lợi hơn im lặng rất nhiều. Chẳng hạn, tôi nghĩ
khi cha Lý lên tiếng, mà các ngài cũng lên tiếng ủng hộ thì cục diện đã thay đổi
rất nhiều, và các ngài cũng như cha Lý không đi vào bế tắc như hiện nay (đây là
nhận định riêng của tôi, có thể đúng mà cũng có thể sai).
Riêng tôi, tôi không sao hiểu được
một người làm giám mục lại có thể nói phản lại sự thật 180o một cách công khai
về những vấn đề có tầm mức căn bản! Theo tôi thì thà chết và chấp nhận toàn thể
Giáo Hội gặp khó khăn chứ không thể nào làm chứng dối một cách cả thể như vậy!
Vì như vậy là phản bội lại chân lý. Mình là người làm chứng mà lại đi nói dối,
thì còn ai dám tin vào lời chứng của mình nữa?!
Trường hợp này, tôi cho rằng đương
sự đã coi quá nhẹ bản chất Kitô giáo và sẵn sàng hy sinh nó cho sự thoải mái
trong sinh hoạt của Giáo Hội. Tôi cho đây là một lựa chọn sai lầm từ căn bản!
Sinh hoạt tôn giáo tự do được xây dựng trên nền tảng dối trá thì sinh hoạt tôn
giáo ấy chắc hẳn chỉ là một thứ sinh hoạt mang tính bề ngoài, không có thực chất
tâm linh bên trong. Thế thì tôn giáo ấy còn giá trị gì nữa? Ích lợi gì khi tôn
giáo của chúng ta được tự do, nhưng lại mất bản chất đích thực của nó? Theo
tôi, thà không được tự do còn hơn là mất đi bản chất đích thực của mình! «Muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng,
thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi» (Mt
5,13).
Nếu cá nhân Kitô hữu cần phải sẵn
sàng tử đạo hay chấp nhận bị bách hại để làm chứng cho sự thật, cho Chúa Kitô,
thì tập thể Kitô hữu cũng cần phải sẵn sàng như vậy. Không thể có chuyện cá
nhân thì khác mà tập thể thì khác trong trường hợp này! Nếu ngày xưa Giáo Hội
đã coi những người chối đạo vì sợ chết là những người hèn nhát, là phản đạo,
thì ngày nay, Giáo Hội lại càng không thể vì sự an nguy hay phát triển của mình
mà chối đạo hay chối bỏ sự thật!
Tôi cũng không đồng ý với lập trường
của một vị giám mục cho rằng «thời này không phải là thời
để tử đạo nữa». Như vậy
thì hóa ra việc tử đạo chỉ có giá trị tùy theo thời đại sao? Tôi công nhận rằng
thời nay – với tuyên ngôn quốc tế nhân quyền – người ta không thể bắt các tín đồ
bỏ đạo, nếu không bỏ thì bị chém đầu như xưa nữa. Nhưng việc bắt bớ người có đạo
vẫn xảy ra ở ngay trên đất nước ta hiện nay, tuy không thảm khốc như xưa nhưng
cũng không kém quyết liệt, chẳng hạn ở Sơn La và vùng Cao Nguyên miền Trung
(theo như thư của HĐGMVN gửi cho nhà nước năm 2002 vừa qua). Và luân lý Kitô
giáo vẫn buộc người tín hữu phải «thà chết
không thà bỏ đạo» chứ! (Chữ «chết» ở đây vẫn
giữ nguyên ý nghĩa, nhưng thời nay thường được hiểu một cách thực tế là chấp nhận
khó khăn). Tóm lại, có thể nói tử đạo ngày nay mang một hình thức khác với thời
xưa, chứ không phải là không còn hoặc không cần nữa!
Điều tôi mong muốn khi viết bài
này là mọi người cần ý thức hơn tình trạng khó khăn và khó xử của các giám mục,
linh mục và giáo dân trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, để cùng đồng cảm với
Giáo Hội (sentire cum Ecclesia). Hãy thử nghĩ rằng nếu mình đang ở trong nước,
hay mình đang ở vị thế của một linh mục hay giám mục nào đó, thì mình sẽ hành động
thế nào? Mình có dám hành động như mình đang đòi hỏi người này người kia phải
hành động không? Nếu mình cứ đòi hỏi người khác phải làm những hành động mà
chính mình không thể làm được, thì quả là quá đáng!
Tôi cũng rất mong mọi người – kể cả
các giám mục – cho dù áp dụng phương thức mềm dẻo, thì cũng đừng quá mềm dẻo tới
mức độ chỉ biết mềm mà không hề biết cứng. Nghĩa là có thể «nhu» nhưng đừng
để «nhu» hóa thành «nhược»!
Và cuối cùng, tôi mong rằng mọi
người hãy tin tưởng rằng không chỉ có người Kitô hữu hành động một cách cô đơn,
mà còn có Thiên Chúa hay Đức Kitô cùng hành động với chúng ta! Vì thế, hãy can
đảm lên, đừng quá khôn ngoan tính toán theo kiểu con người. Hãy can đảm làm
theo ý muốn hay sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vốn rất khác với sự khôn ngoan của
con người (x. Is 55,9; 1Cr 1,18-25). Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa và vào
sự quan phòng của Ngài ở đâu?
«Hai con
chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất
ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh
em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn
chim sẻ» (Mt
10,29-30). Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết tuyên xưng đức tin, mà không muốn áp dụng
đức tin ấy vào đời sống thực tế của chúng ta sao? Sao chúng ta lại quá sợ hãi?
Xin chân thành cám ơn những ai đã
kiên nhẫn đọc hết những suy tư của tôi.
NGUYỄN CHÍNH KẾT
No comments:
Post a Comment