Tâm
Thư Gửi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Sàigòn, ngày 6 tháng 10 năm 2003
Trọng kính:
– Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm
đình Tụng,
– Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn,
– Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa,
Chủ Tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam .
– Quí Đức Cha trong Hội Đồng Giám
mục Việt Nam
Là một giáo dân Việt Nam nhỏ bé
nhưng rất thao thức trước sự tồn tại và phát triển của Đất Nước và Giáo Hội,
con xin mạo muội trình lên Quý Đức Cha những suy nghĩ của con nhân dịp Quí Đức
Cha họp HĐGMVN năm nay.
Trước hết, con xin kính chúc Quý Đức
Cha luôn an vui mạnh khỏe để đứng thẳng và đứng vững trong chức vụ mà Thiên
Chúa và Giáo Hội đã giao phó, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Kế đến, con xin chúc mừng HĐGMVN
có thêm hai thành viên mới là Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh và Đức Cha Antôn Vũ
Huy Chương. Nhất là Giáo Hội Việt Nam ta lại hân hạnh có thêm một vị Hồng Y mới:
Con xin chân thành chúc mừng Đức Tân Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn! Xin Thiên Chúa
chúc lành và ban ơn sức mạnh cho Đức Hồng Y mới và hai Giám Mục mới.
Nhân dịp này, con cũng muốn nói
lên lòng hiếu thảo, sự quí mến và cảm thông sâu xa của con đối với Quý Đức Cha,
đặc biệt trong hoàn cảnh hết sức khó khăn của Đất Nước và Giáo Hội hiện nay.
Trong kỳ họp HĐGMVN năm ngoái, con
– cũng như biết bao kitô hữu khác trong và ngoài nước – rất hân hoan vui mừng
khi thấy Quý Đức Cha đã gửi thư lên Quốc Hội và Nhà Nước để trình bày sự thật về
tình hình đất nước cũng như tình trạng tôn giáo chưa được tự do. Sau đó, Đức HY
Phạm Minh Mẫn cũng đã có hai lá thư nói lên một nội dung tương tự, đặc biệt về
sự tha hóa và nguyên nhân tha hóa trong xã hội. Và tháng 6-2003, Đức HY cũng gửi
thư cho chính quyền với nhận định rằng các pháp lệnh tôn giáo càng về sau càng
có tính xen vào nội bộ các tôn giáo nhiều hơn sâu hơn, càng xiết chặt các tôn
giáo hơn, nghĩa là càng đi xa tinh thần của hiến pháp về tự do tôn giáo hơn.
Chắc chắn mọi kitô hữu trong và
ngoài nước, cả con nữa, cũng như rất nhiều người thuộc các tôn giáo bạn, luôn
luôn đứng đằng sau Quý Đức Cha, để ủng hộ Quý Đức Cha trong tất cả những phát
biểu chân thực, thẳng thắn, hợp lý, nhằm bênh vực chân lý, công lý và tình
thương, làm cho xã hội và Giáo Hội nên tốt đẹp hơn.
Con xin trình bày những ý nghĩ của
con với Quý Đức Cha nhân dịp đại hội của HĐGMVN kỳ này.
***
Hiện nay, đất nước của chúng ta vẫn
còn là một đất nước đứng vào hàng chậm phát triển về nhiều mặt, và còn rất nhiều
mặt chưa ổn định, chưa hợp lý, chưa đúng với tinh thần hiến pháp của đất nước,
chưa phù hợp với tinh thần bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc
mà đất nước ta đã ký kết khi gia nhập tổ chức quốc tế này. Vì thế, đất nước ta
còn cần rất nhiều ý kiến đóng góp, cũng như nhiều nỗ lực xây dựng của người dân
để đất nước đi lên.
Chính vì thế, mọi người đều mong đợi
những ý kiến đóng góp rất có giá trị và trọng lượng của Quý Đức Cha, vì tiếng
nói của HĐGMVN là một trong những tiếng nói có uy tín, có thế giá chẳng những đối
với Nhà Nước Việt Nam, với dân chúng, mà còn đối với quốc tế nữa. Đó là những hồng
ân đặc biệt ví như «những yến bạc»
(x. Mt 25,14-30) mà Thiên Chúa trao cho Quý Đức Cha với lượng lớn hơn rất nhiều
so với biết bao tổ chức khác trong xã hội. Đương nhiên càng được ban nhiều thì
càng có trách nhiệm nhiều: người được «hai
yến» thì chỉ cần làm lợi thành «hai yến
khác», nhưng người được «năm yến»
thì phải làm lợi thành «năm yến khác».
Kẻ không sinh lợi mà lại «đem chôn giấu yến
bạc» của mình thì không khỏi bị trừng phạt.
Chính vì nghĩ như thế, nên mọi người
đều trông đợi tiếng nói trung thực và thẳng thắn của Quý Đức Cha mỗi lần có cuộc
họp HĐGMVN thường niên. Và mọi người đều cảm thấy rất vui tươi phấn khởi khi thấy
có những tiếng nói xây dựng đất nước từ Quý Đức Cha, đặc biệt từ kỳ Đại Hội thường
niên năm ngoái (2002). Nếu tiếng nói của HĐGMVN không có trọng lượng, không có
thế giá, mà chỉ có giá trị như tiếng nói của những người dân thấp cổ bé miệng,
thì chắc chắn chẳng mấy ai trông đợi tiếng nói của Quý Đức Cha cả.
Trong bất kỳ một tập thể nào cũng
có người tốt người xấu, ngay trong bản thân một người cũng có phần tốt phần xấu.
Trong Giáo Hội, trong hàng giáo phẩm, trong hàng linh mục tu sĩ, trong hàng ngũ
giáo dân, luôn luôn có người tốt người xấu. Cũng vậy, trong chính quyền, trong
hàng ngũ lãnh đạo đất nước, cũng có người tốt người xấu. Người xấu và người tốt
luôn luôn đấu tranh với nhau. Hễ người xấu thắng thế thì tập thể đi xuống, mà
người tốt thắng thế thì tập thể đi lên. Những người tốt, những người có lương
tâm trong sáng trong chính quyền – mà con tin chắc chắn rằng không phải là ít –
luôn luôn mong mỏi Quý Đức Cha lên tiếng cho điều tốt, điều thiện, điều chân thực,
đúng với sự đòi buộc của lương tâm, để họ dựa vào đó làm hậu thuẫn hay cơ sở hầu
chống lại điều ác. Nếu Quý Đức Cha im lặng, những người tốt ấy sẽ thất vọng, và
Quý Đức Cha đã bỏ lỡ những cơ hội tốt để ủng hộ sự thiện. Một cách nào đó, sự
im lặng của người tốt khi hoàn cảnh đòi hỏi họ phải lên tiếng làm chứng cho điều
tốt, điều chân thật, thì trong trường hợp này nó có tác dụng như đồng lõa với sự
ác. Đó là điều mà con biết Quý Đức Cha không bao giờ chấp nhận.
Mọi người không mong đợi Quý Đức
Cha làm bất kỳ điều gì vượt khỏi những quyền hạn hợp pháp đã được qui định cho
mọi công dân trong Hiến Pháp của đất nước ta cũng như trong bản Tuyên Ngôn Quốc
tế Nhân Quyền. Mọi người chỉ mong đợi Quý Đức Cha tận dụng những quyền hợp pháp
ấy để nói lên tiếng nói của «sự thật,
công lý và tình thương» – là ba điều cốt yếu nhất của Kitô giáo (x. Mt
23,23b) – để bênh vực những ai đang bị đối xử bất công, bị đàn áp, đồng thời
bênh vực Giáo Hội Công giáo cũng như các Giáo Hội của các tôn giáo khác. Trong
quá khứ, những lần lên tiếng của Quý Đức Cha cho tự do tôn giáo, của Đức HY GB.
Phạm Minh Mẫn, không ai có thể bắt bẻ được điều gì là Quý Đức Cha đã vượt khỏi
quyền hạn hợp pháp của mình cả. Đó cũng là những điều chẳng những có thể làm,
mà còn là bổn phận phải làm trong chức vụ của người ngôn sứ nữa.
Những người không có tiếng nói
đang mong đợi tiếng nói của Quý Đức Cha – là những người được Thiên Chúa chọn
làm ngôn sứ để lên tiếng thay cho họ như sách Châm ngôn viết: «Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và
biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho
những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn 31,8-9). Rất mong Quý Đức Cha luôn là hiện
thân của Đức Giêsu «tại đây và lúc này»
cho nhân dân Việt Nam thời đại này, Đức Giêsu, Đấng đã được «xức dầu tấn phong để loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn, giải phóng cho kẻ bị giam cầm, làm người mù sáng mắt, trả lại tự do
cho người bị áp bức» (Mt 4,18).
Những đối tượng vừa kể trong Mt
4,18 đang mong đợi Quý Đức Cha cứu giúp họ như người ăn xin mù lòa tại Giêrikhô
mong đợi Đức Giêsu đến với anh – bất chấp có «nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi». Anh ta mong Ngài lên tiếng
hỏi anh: «Anh muốn tôi làm gì cho anh ?»
và chữa lành cho anh (x. Mc 10,46-52). Nếu Đức Giêsu cũng nể sợ những kẻ quát nạt
anh, chắc chắn anh ta sẽ sống trong cảnh mù lòa suốt đời. Và có lẽ một Đức
Giêsu như thế không thể là Đức Giêsu đích thật được!
***
Hiện nay, Giáo Hội Công giáo Việt
Nam nói riêng và các tôn giáo khác nói chung đang có trách nhiệm hết sức lớn
lao đối với sự tồn tại và phát triển của mình khi mà Nhà Nước đang chuẩn bị để
trong tháng 10 này ban hành một pháp lệnh mới liên quan đến sinh hoạt của các
tôn giáo. Pháp lệnh này sẽ ảnh hưởng sâu xa và mạnh mẽ đến khả năng tồn tại và
phát triển của các tôn giáo tại Việt Nam
nói chung, và của Giáo Hội Công giáo Việt Nam nói riêng. Một khi mà pháp lệnh
đã trở thành văn bản chính thức thì khó có thể sửa lại được nữa, và mọi người,
nhất là các cấp chính quyền địa phương, cứ việc áp dụng nội dung pháp lệnh đó
trong từng sự kiện, từng hoàn cảnh. Việc áp dụng có thể được thực hiện một cách
khôn ngoan và mềm dẻo, nhưng cũng có thể một cách hết sức cứng ngắc và máy móc
tùy theo tính khí cá nhân của mỗi nhân viên chính quyền có trách nhiệm xử lý.
Rất may, để hình thành pháp lệnh
này, Nhà Nước có mời gọi người dân đóng góp ý kiến. Phải nói việc mời gọi đóng
góp này là một hình thức dân chủ – ít nhất trên danh nghĩa – để người dân thực
hiện quyền làm chủ của mình. Chính vì thế, nếu chúng ta không sử dụng cơ hội
này để thực hiện quyền làm chủ của người dân trong việc soạn thảo pháp lệnh,
thì chúng ta có phần nào trách nhiệm nếu chẳng may nó được soạn thảo một cách bất
lợi cho các tôn giáo. Vì thế, chắc chắn HĐGMVN sẽ có ý kiến đóng góp riêng của
mình, và ý kiến của HĐGM chắc chắn sẽ có một trọng lượng rất lớn. Ý thức như thế,
con cảm thấy có trách nhiệm góp ý cho bản dự thảo này. Và con thực hiện trách
nhiệm này bằng cách góp ý với Quý Đức Cha trong việc góp ý này.
Con xin đính kèm theo thư này bản
góp ý của con. Tất cả những góp ý này đều xuất phát từ lòng yêu mến «chân lý, công lý và tình thương», và từ
tâm tình yêu quê hương, đất nước và Giáo Hội. Rất mong nó giúp ích phần nào cho
Quý Đức Cha trong việc góp ý cho việc soạn thảo pháp lệnh tôn giáo sắp tới.
***
Cuối cùng, con xin kính chúc Hai Đức
Hồng Y cùng Quý Đức Cha luôn tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa, để luôn khôn
ngoan và can đảm trong công việc lèo lái con thuyền Giáo Hội trong hoàn cảnh
khó khăn này.
Kính thư
Một Kitô hữu Việt Nam
Nguyễn Chính Kết
6/8A, Quang Trung, Phường 12, Quận
Gò Vấp,
Thành Phố Hồ Chí Minh
No comments:
Post a Comment