Thursday, December 26, 2019

Tâm Thư Ủng Hộ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (5-11-2002)



Tâm Thư Ủng Hộ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

(5-11-2002)


Sàigòn, ngày 5 tháng 11 năm 2002


Trọng kính:

– Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, Chủ Tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam.
– Quý Đức Cha trong Hội Đồng Giám mục Việt Nam

Đầu thư, con xin cầu chúc Quý Đức Cha luôn tràn đầy ân sủng Thiên Chúa, để đủ sức khỏe và nghị lực hầu thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho Giáo Hội Việt Nam. Sau đây, con xin bày tỏ những cảm tưởng đến với con sau khi HĐGMVN họp hội nghị thường niên vào tháng 10-2002 vừa qua.


I. Thất vọng và hy vọng

1. Sự lên tiếng của HĐGM là một khích lệ cho toàn Giáo Hội

Sau kỳ họp thường niên của Quý Đức Cha vừa qua, khởi đầu khi nghe tin Quý Đức Cha chỉ cho ra một lá thư mục vụ, mà không nói lên được một sự thật thách đố nào, con cảm thấy rất buồn, và có cảm tưởng HĐGMVN càng ngày càng suy yếu. Lúc đó con nghĩ tới câu nói của Đức Cố Hồng Y Trịnh như Khuê khuyên các giám mục không nên họp HĐGM, vì nếu họp mà không nói lên được điều gì mình thực sự muốn nói, thì càng họp nhiều, HĐGM càng trở nên yếu đi. Nhưng may thay, mấy ngày sau, qua sự tiết lộ dù rất hạn chế của linh mục Thư Ký HĐGM, con được biết Quý Đức Cha đã gửi một thư cho Quốc Hội và trao một thư khác cho ông trưởng ban tôn giáo, trong đó Quý Đức Cha phản đối sự đàn áp tự do tôn giáo đối với GHCG ở một vài nơi trong nước. Được tin ấy, con cảm thấy rất vui, và thấy đó là một sự khích lệ cho toàn Giáo Hội Công giáo, nhất là cho những ai đã từng chờ đợi bao lâu nay sự lên tiếng của HĐGM.

Nếu không có một sự khởi đầu, cho dù nhỏ, thì không thể có sự tiếp tục. Người ta vẫn nói: ỡVạn sự khởi đầu nanữ. Dù nội dung chính xác không được công bố, thì sự phản đối đầu tiên của Quý Đức Cha trong hai bức thư gửi cho nhà nước Việt Nam, sau bao nhiêu năm im lặng, quả là một bước đột phát rất đáng khuyến khích. Bước đầu phá vỡ sự im lặng này sẽ tạo nên một cái đà, đà này sẽ khích lệ và thúc đẩy Quý Đức Cha không những tiếp tục lên tiếng, mà còn lên tiếng cách công khai, thẳng thắn, rõ ràng, và đầy đủ hơn về tình trạng tự do tôn giáo của GHCGVN.

2. Thông cảm với những khó khăn của HĐGMVN

Con không ở trong địa vị và hoàn cảnh của Quý Đức Cha, nên không hiểu hết được những khó khăn, có thể rất lớn, mà Quý Đức Cha phải vượt qua khi lên tiếng như vậy. Khó khăn đầu tiên là nhiều Đức Cha đã lớn tuổi, nhuệ khí tự nhiên khó tránh khỏi giảm sút. Một khó khăn khác rất lớn là những cái giá khá đắt về mục vụ mà Quý Đức Cha cảm thấy phải trả một khi lên tiếng như vậy. Là mục tử, làm sao Quý Đức Cha không đau lòng trước những mất mát như thế của đoàn chiên? Chắc chắn còn có những khó khăn trong nội bộ Giáo Hội Việt Nam mà hiện nay chưa thể vượt qua được. Vì thế, con càng thêm cảm phục trước sự lên tiếng này, dù chỉ nhắm vào một vài khía cạnh trong nhiều khía cạnh cần lên tiếng. Bước đầu và lần đầu được như thế, con nghĩ là đáng mừng lắm rồi!


II. Lên tiếng theo quyền đã được qui định trong hiến pháp và luật pháp

1. Không vượt quá giới hạn những gì hiến pháp và luật pháp cho phép

Thật ra, chúng ta chỉ cần lên tiếng phản đối hay đòi hỏi những gì mà chúng ta có quyền phản đối hay đòi hỏi, theo lẽ phải của lương tri con người, mà hiến pháp và luật pháp của bất kỳ quốc gia nào cũng đều công nhận. Chúng ta không cần phản đối hay đòi hỏi một điều gì vượt khỏi giới hạn hợp lý ấy. Trên văn bản, hiến pháp và luật pháp Việt Nam đã công nhận và chủ trương tôn trọng những quyền bất khả xâm phạm và chính đáng của mỗi người dân, cũng như của các tổ chức tôn giáo đúng đắn – như Giáo Hội Công giáo Việt Nam chẳng hạn – là những tổ chức mà theo bản chất phải độc lập và tự trị đối với các thể chế và tổ chức chính trị. Nếu những quyền tự nhiên ấy của chúng ta bị xâm phạm hay chưa được hưởng đầy đủ, chúng ta có quyền lên tiếng phản đối hay đòi hỏi.

2. Người Cộng Sản khuyến khích tranh đấu chống bất công và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng

Chính Lê-nin, ông tổ của Cộng Sản cũng công nhận quyền ấy khi ông nói: «Chỗ nào có bất công, chỗ đó có tranh đấu». Trước khi nắm chính quyền người Cộng Sản đã từng hô hào nhân dân phải đứng lên tranh đấu chống bất công, chống điều xấu, đồng thời đòi hỏi những quyền lợi chính đáng mà người dân có quyền đòi hỏi. Chẳng lẽ sau khi đã nắm được chính quyền như hiện nay, chính họ lại triệt đi tất cả mọi nỗ lực tranh đấu của người dân khi họ chống lại cũng những điều xấu, những bất công ấy trong xã hội, hay đòi hỏi những quyền hết sức chính đáng của họ sao? Không lý nào họ lại tự mâu thuẫn như vậy? Vì quyền lên tiếng tranh đấu chống điều xấu ác, chống biết công, hay quyền phản đối hoặc đòi hỏi những điều chính đáng cũng là một quyền hết sức chính đáng không ai được phép phủ nhận. Quyền ấy không những phát sinh từ những lý lẽ tự nhiên in sẵn trong tâm trí con người, mà còn được công nhận bởi bất kỳ hiến pháp hay luật pháp hợp lý nào. Ai thật sự tôn trọng tính cách hợp lý của hiến pháp và luật pháp ắt cũng phải tôn trọng sự lên tiếng ấy.

3. Quyền lợi của Giáo Hội đã được tôn trọng thỏa đáng chưa?

Hiện nay, có nhiều cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo ở trong nước, mà nổi cộm nhất là cuộc đấu tranh của Hòa Thượng Thích Quảng Độ và của Linh mục Nguyễn văn Lý. Thiết tưởng trước khi kết án những nhân vật tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, thì chính nhà nước cần phải tự xét xem mình đã tôn trọng tính dân chủ và nhân quyền như hiến pháp đất nước mình chủ trương chưa. Nếu chưa, thì những cuộc tranh đấu ở trong nước là chính đáng. Những người tranh đấu hay những cuộc tranh đấu trong nước chỉ là cái ngọn, còn cái gốc của những cuộc tranh đấu ấy chính là sự việc: nhà nước đã tôn trọng dân chủ và nhân quyền một cách thỏa đáng hay chưa? Chỉ triệt cái ngọn mà vẫn để cái gốc tồn tại thì có phải là thiếu hợp lý và phản khoa học không?

Con xin đan cử một vài sự kiện về vấn đề tự do tôn giáo:

– Đang khi hiến pháp và luật pháp chủ trương coi mọi công dân là bình đẳng trước pháp luật, tại sao lại có những công dân được quá tự do, còn những công dân khác lại bị quá hạn chế? Thật vậy, hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều công dân được quá tự do đến mức có thể lạm dụng chức quyền, vị thế mình để tham nhũng trong một thời gian rất dài lên đến hàng chục hàng trăm tỉ, làm nghèo và chậm đà phát triển của đất nước, làm tổn hại vô cùng lớn lao cho uy tín của nhà nước, của Đảng. Đang khi ấy, những công dân tín hữu trong các tôn giáo lại bị hạn chế tự do một cách quá nghiêm khắc: muốn đi tu thì cũng phải được chính quyền đồng ý cho phép mới được đi! làm linh mục cũng phải được chính quyền chấp thuận mới được làm! các Đức Cha muốn bổ nhiệm ai làm việc ở đâu mà nhà nước không đồng ý thì đành chịu thua! Còn bao nhiêu việc khác muốn làm là phải xin phép nữa! Cả 8 triệu người Công giáo mà không có được một tờ báo của riêng mình, đang khi nhiều đoàn thể khác nhỏ hơn lại được ra báo! (Tờ báo «Công giáo và Dân tộc» chỉ là tờ báo của nhà nước về Công giáo, chứ không phải là tờ báo của Công giáo). Phải chăng người Công giáo không phải là công dân nên không được đối xử bình đẳng? vân vân và vân vân.

– Nhà nước không cho phép một tôn giáo nào được áp đặt ai phải học lý thuyết hay giáo lý của mình, tại sao chính nhà nước lại áp đặt các chủng sinh – những linh mục tương lai – phải học triết học Mác-Lê tới trên 300 tiết? Đang khi môn chính yếu nhất của chương trình đại chủng viện là môn Ki-tô học chỉ chiếm tối đa 120 tiết và chỉ phải học một lần? Và các chủng sinh vốn phải có bằng cử nhân, tức đã học đại học, mới được vào chủng viện nên đã học môn triết học này như một môn bắt buộc tại đại học rồi. Như vậy là riêng các linh mục tương lai phải học môn này tới hai lần! Ở đại học ngoài, ai học hai đại học thì chỉ phải học môn này một lần ở một đại học, và được miễn học môn này ở đại học kia. Như vậy chủng sinh bị bắt buộc phải học kỹ môn này như vậy, phải chăng mục đích của chủng viện là đào tạo linh mục cho Đảng Cộng Sản? Vì Triết học này dẫu sao cũng chỉ là một triết học ngoại lai mà chỉ có các đảng viên Cộng Sản – một thiểu số rất nhỏ (chưa tới 3%) trong dân chúng – nhìn nhận là đúng, đang khi triết học này chủ trương ngược lại với thần học của Ki-tô giáo là môn chính của các chủng viện, vì một đằng chủ trương vô thần, một đằng chủ trương hữu thần. Thử hỏi, trong cùng một chương trình giáo dục mà môn học này phản nghịch lại môn học kia 180 độ như vậy thì có đúng sư phạm và tinh thần khoa học không? Cấm người khác áp đặt nhưng chính mình lại áp đặt, như thế có hợp lý không? Thử hỏi trong Giáo Hội Công giáo toàn cầu, các chủng viện ở các nước khác có chủng viện nào phải học một môn nào do chính quyền áp đặt không?

– Các tôn giáo trong hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đâu bị nhà nước quản lý chặt chẽ, tại sao trong đất nước mình nhà nước lại phải xen vào những vấn đề tôn giáo quá sâu quá chặt như thế? Ngay trong đất nước ta, cả thời Pháp thuộc, hay trước 1975, tại miền Nam, các tôn giáo có bị quản lý quá chặt chẽ như hiện nay đâu? Chính quyền đất nước ta vẫn luôn tự hào rằng nước ta tự do hơn những nước khác hàng triệu lần kia mà! Chúng ta chỉ cần tranh đấu để tôn giáo ở đất nước ta cũng được tự do tương tự như đại đa số các quốc gia khác trên thế giới mà thôi, không cần tự do hơn những nước khác làm chi! Tranh đấu chỉ để được như thế rõ ràng là một việc chính đáng!

Mọi cuộc tranh đấu trong nước sẽ giảm đi hay sẽ không còn nữa khi mà những quyền lợi chính đáng của người dân được tôn trọng ở mức độ hợp lý và thỏa đáng! Vội kết án những cuộc tranh đấu ấy là phản động, là bị nước ngoài xui giục, là có ý đồ lật đổ chính quyền, mà không chịu xét lại xem những quyền lợi chính đáng mà người dân đòi hỏi đã thật sự được tôn trọng đúng mức chưa, rõ ràng là không hợp lý và phản khoa học.

Đó chỉ là một vài sự kiện điển hình không ai phủ nhận được trong nhiều sự kiện khác mà con không thể kể ra hết trong khuôn khổ hạn hẹp của bức tâm thư này. Nếu Quý Đức Cha im lặng không lên tiếng gì, phải chăng điều đó có nghĩa là những điều con nói trên là không đúng sự thật? hay Quý Đức Cha không thấy có những sự kiện ấy? hay Quý Đức Cha thấy như vậy là hợp lý, là hợp hiến hợp pháp quá rồi? hay Quý Đức Cha không dám lên tiếng?

4. Không thực thi quyền mà hiến pháp và luật pháp công nhận để chống điều xấu, điều bất công là thiếu tinh thần trách nhiệm làm chủ tập thể

Như đã nói trên, hiến pháp và luật pháp hợp lý nào cũng đều công nhận những quyền bất khả xâm phạm và chính đáng ấy của chúng ta, và công nhận cả quyền lên tiếng phản đối hay đòi hỏi khi những quyền căn bản ấy bị xâm phạm hay chưa được tôn trọng thỏa đáng. Vì thế, nếu chúng ta không thực thi quyền lên tiếng ấy thì chúng ta không những có lỗi đối với những đòi hỏi của lương tri, mà còn thiếu sót chưa thi hành luật pháp với đầy đủ tinh thần trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể. Vì thế, con cảm thấy rất vững tâm khi lên tiếng bênh vực những quyền chính đáng của Giáo Hội hay của bất kỳ cá nhân nào mà con thấy bị đối xử bất công. Sở dĩ con vững tâm là vì con đã hành động theo đòi hỏi của lương tri, và vì con thấy mình cũng chỉ sử dụng những quyền mà hiến pháp và luật pháp công nhận, không hề vượt khỏi phạm vi những quyền ấy.


III. Cần có thái độ đúng đắn và thích hợp khi lên tiếng tranh đấu

1. Những đức tính cần có khi lên tiếng

Khi cần phải lên tiếng, thiết tưởng con cái Giáo Hội cứ việc lên tiếng một cách thẳng thắn, ôn hòa, hợp lý, khách quan, thuyết phục, có bằng chứng, không thiên lệch, không quá khích, không khiêu khích, không vượt ra ngoài bổn phận đạo đức, nhưng tuân thủ những quy định hợp pháp và hợp lý của chính quyền, chỉ nhằm mục đích xây dựng, đồng thời trung thực đối với sự kiện hay phù hợp với sự thật... Lên tiếng theo cung cách ấy, chắc chắn con cái Giáo Hội sẽ được những người thiện chí và công minh trong chính quyền lắng nghe và giải quyết thỏa đáng, khi khả năng và quyền hạn của họ cho phép. Ngoài ra còn được những người hiểu biết, đồng cảm trong nhân dân bênh vực và ủng hộ. Con tin rằng: những đức tính cần thiết để có thể lên tiếng một cách có hiệu quả ấy, Quý Đức Cha không những có sẵn, có đủ, mà còn có thêm đức bác ái Kitô giáo – chủ trương yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người chủ trương hay thực sự đang làm hại Giáo Hội – khiến việc lên tiếng của Quý Đức Cha rất dễ được cảm thông và đón nhận.

2. Sẵn sàng chấp nhận những phiền nhiễu một khi đã làm theo lương tâm

Nếu chúng ta đã lên tiếng trong tinh thần hợp tình hợp lý ấy mà có ai trong chính quyền lại phiền nhiễu, bắt bớ, tù đày, hay thậm chí giết chết chúng ta, thì chắc chắn người ấy đã vi phạm hiến pháp hay luật pháp của đất nước. Và một chính quyền hợp pháp và hợp lý đương nhiên có bổn phận trừng trị người ấy. Chuyện vi phạm đáng tiếc này rất có thể xảy ra, vì chính quyền của bất cứ nước nào cũng đều bao gồm trong đó cả người tốt lẫn người xấu, người hiểu biết và người không hiểu biết, người thành thật và người giả dối, người thương dân và người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi mình... Nếu có chuyện đáng tiếc ấy xảy ra, chúng ta cần sẵn sàng chấp nhận nó như giá phải trả cho việc sống theo lương tâm, nhất là theo Tin Mừng của Đức Ki-tô. Nếu Đức Ki-tô, Thầy của chúng ta, đã từng bị bách hại bởi những người xấu trong xã hội và tôn giáo thời ngài, chẳng lẽ chúng ta lại mong muốn được ưu đãi hơn Thầy mình sao? Vì chính Ngài có nói: «Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ» (Mt 10,24).

3. Đan cử trường hợp cá nhân của bản thân

Trong quá khứ, con đã từng lên tiếng đối với những tiêu cực mà con nhận thấy trong Giáo Hội, và cũng đã từng lên tiếng bênh vực Giáo Hội. Con nghĩ rằng Quý Đức Cha và rất nhiều người trong Giáo Hội biết điều này. Con không hề có ý tự khoe hay tự đề cao mình, nhưng chỉ xem việc lên tiếng đó là cách mà con có thể xây dựng Giáo Hội hữu hiệu và thích hợp với con. Tuy nhiên, chính vì việc con lên tiếng đối với những tiêu cực ấy mà ngay trong lòng Giáo Hội cũng có những người hiểu lầm con, thậm chí một số linh mục, cho rằng con có ý phá Giáo Hội, đả phá hàng giáo sĩ...

Trong Giáo Hội, gồm những người đồng đạo với con mà còn có những người nghi ngờ hay hiểu lầm con như vậy, huống gì khi con lên tiếng chống lại những tiêu cực trong xã hội, làm sao tránh được có những người nghi ngờ hay hiểu lầm mình! Vì thế, con rất thông cảm với những viên chức chính quyền đã nghi ngờ con, chẳng hạn nghi rằng con bị thúc đẩy bởi những thế lực chính trị bên ngoài, có một ý đồ hay tham vọng chính trị nào đó..., chứ không phải hành động theo lương tri hay xác tín của niềm tin. Bổn phận bảo vệ chính quyền đòi hỏi họ phải nghi ngờ như thế, và họ có quyền tìm đủ mọi cách hợp pháp để theo dõi con, hầu biết thật rõ về con. Chứ họ không có quyền khó dễ hay bắt bớ con nếu chỉ nghi ngờ mà không có đủ bằng chứng. Thời gian sẽ chứng tỏ mọi sự: «mọi bí ẩn cuối cùng đều được/bị hiển lộ» (Quidquid latet apparebit), chẳng ai có thể giấu diếm được điều gì với thời gian!

Nhưng giả như chỉ vì sợ bị nghi ngờ, hiểu lầm, hay thậm chí bị bách hại – dù từ phía Giáo Hội hay chính quyền – mà con đành im tiếng trước những đòi hỏi của lương tri, của niềm tin, thì thử hỏi con đã làm đúng với tinh thần ngôn sứ của người Ki-tô hữu chưa? Chắc chắn là chưa. Vì thế, một khi con thấy việc con làm là đúng, phù hợp với tinh thần Tin Mừng, và được lương tâm thúc đẩy, thì con cứ làm! Theo Giáo Hội Công giáo, người ta phải làm theo tiếng của lương tâm thẳng thắn và đã được giáo dục hơn cả chính luật của Giáo Hội, và đương nhiên cả luật pháp ở ngoài đời nữa!

4. Trong chính quyền, vẫn luôn có những người tốt

Mặc dù đã lên tiếng cho tự do tôn giáo của Giáo Hội nhiều lần, nhưng cho tới nay, tạ ơn Chúa quan phòng, con vẫn bình yên, cho dù đôi khi cũng gặp ít nhiều khó khăn. Được như vậy, theo con nghĩ, là vì trong chính quyền, cụ thể là trong số những nhân viên có nhiệm vụ quản lý, theo dõi những hành vi của con, hay có quyền xét xử con, Chúa vẫn luôn an bài để có những người tốt, biết tôn trọng những gì hợp lý trong hiến pháp và luật pháp của đất nước. Đồng thời Chúa cho những người tốt ấy có nhiều ảnh hưởng trên những quyết định liên quan đến con hơn là những người xấu. Con cầu mong sẽ mãi mãi được như vậy, nhưng đồng thời cũng rất sẵn sàng chấp nhận trường hợp không được như vậy.

5. Số người tốt trong chính quyền sẽ tăng lên, nếu người dân dám tranh đấu chống những điều xấu ác

Có lẽ chúng ta không nên thất vọng đối với chính quyền tới mức độ cho rằng trong đó số người xấu đông hơn số người tốt. Con nghĩ rằng số những người tốt trong chính quyền sẽ tăng lên nếu những người tốt trong nhân dân dám lên tiếng cho điều tốt. Nếu người dân quá khiếp nhược, bị kẻ xấu ức hiếp, đối xử bất công... mà không dám lên tiếng, thì kẻ xấu sẽ càng ngày càng làm tới và đông lên, còn kẻ tốt sẽ càng ngày càng bị lấn áp và giảm đi. Nếu những hành động tiêu cực của những người xấu không bị hạn chế, ngăn cản hay thậm chí trừng phạt cách thích đáng vì không ai can đảm lên tiếng, thì tất nhiên sự xấu sẽ bành trướng và mạnh lên. Chúng ta thử tưởng tượng một xã hội mà không có lực lượng cảnh sát công an, hay có nhưng lại thối nát và bất lực, thì bấy giờ trộm cướp, giết người, bạo lực và những điều tiêu cực khác sẽ nổi lên và bành trướng như thế nào!

6. Ai có bổn phận ưu tiên phải lên tiếng?

Nhưng ai dám lên tiếng chống lại điều xấu, điều sai, nếu trước tiên không phải là những người lãnh đạo về mặt tinh thần, những người trí thức, tức những người thường có tiếng nói trong xã hội? Nếu những người này cũng im tiếng, thì còn ai dám lên tiếng? Chẳng lẽ họ lại hy vọng hay chờ đợi những người thấp cổ bé miệng hơn họ lên tiếng trước? Vấn đề được đặt ra ở đây là trách nhiệm của những người có tiếng nói, có khả năng lên tiếng. Người có khả năng, có trách nhiệm lên tiếng hơn ai hết mà không lên tiếng chính là trốn tránh trách nhiệm. Nếu ngay cả lên tiếng chống lại điều xấu, sự sai trái, sự bất công, và hận thù để bảo vệ điều tốt, sự thật, công lý, và tình thương, trong mức độ hiến pháp và luật pháp Việt Nam cho phép, mà cũng không dám lên tiếng, thì dũng khí của người dân Việt Nam – vốn vẫn tự hào là anh hùng – ở đâu? Chưa nói tới dũng khí của người trí thức, của người Ki-tô hữu, và hơn nữa của các chức sắc trong Giáo Hội và xã hội! Theo con nghĩ, trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, sở dĩ các tệ nạn, những điều tiêu cực xảy ra và lan tràn, một phần không nhỏ là do những người thiện chí, những người tốt trong Giáo Hội hay xã hội đã không có đủ tinh thần trách nhiệm đối với công ích của tập thể, của xã hội, hoặc không có đủ dũng khí để lên tiếng chống lại những điều xấu, điều tiêu cực ấy!

7. Khi quyền lợi chính đáng của Giáo Hội bị xâm phạm, bổn phận ưu tiên phải lên tiếng bảo vệ là thuộc HĐGM

Quan điểm của con – mà con nghĩ là người Công Giáo nào cũng phải công nhận – đó là khi có những điều bất công, vi phạm đến quyền bất khả xâm phạm hay chính đáng của Giáo Hội, một Giáo Hội do chính Quý Đức Cha coi sóc, dẫn dắt, và chịu trách nhiệm, thì trên nguyên tắc, trách nhiệm lên tiếng bênh vực đầu tiên vẫn thuộc về Quý Đức Cha, trước khi thuộc về bất kỳ ai khác. Vì quyền bính và trách nhiệm luôn tương xứng và đi đôi với nhau: nếu đã đứng đầu về quyền bính, ắt cũng đứng đầu về trách nhiệm. Nói thế không có nghĩa là những người khác thì không có trách nhiệm đó. Người ta vẫn nói: «quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách», một cách tương tự, mọi tín hữu dù là giáo dân nhỏ bé nhất cũng có trách nhiệm đối với sự tồn vong hay phát triển của Giáo Hội.

Nếu có những ai khác lên tiếng hiệu quả hơn Quý Đức Cha thì chắc chắn con cũng như các tín hữu khác đã chẳng yêu cầu hoặc chờ đợi Quý Đức Cha lên tiếng bảo vệ Giáo Hội làm gì, để Quý Đức Cha làm những công việc khác quan trọng hơn! Nhưng còn ai khác lên tiếng bảo vệ Giáo Hội hữu hiệu bằng Quý Đức Cha? Và trong số các bổn phận của Quý Đức Cha, có bổn phận nào còn quan trọng hơn bổn phận này nữa? Vì quan trọng nhất là bản chất chứ không phải là sự tồn tại: người xưa thà chết chứ không chịu để mình bị băng hoại, bị mất uy tín, mất danh dự. Các thánh tử đạo thà chết chứ không chịu mất bản chất Ki-tô hữu của mình! Vậy thử hỏi: Giáo Hội tồn tại mà bị mất bản chất thì Giáo Hội có còn là Giáo Hội đúng nghĩa nữa không? Muối mà lạt, men mà mất vị, đèn mà không sáng... thì còn ích lợi gì không? (x. Mt 5,13-16; 13,33). Đào tạo được vô số linh mục nhưng bản chất của họ không còn hoàn toàn là linh mục của Đức Ki-tô, của Giáo Hội, thì đào tạo làm gì mất công? Giữa việc bảo vệ bản chất của Giáo Hội và việc duy trì những sinh hoạt tôn giáo bên ngoài thì việc nào quan trọng hơn? Thiết tưởng chúng ta nên nghiêm túc đặt lại những vấn đề căn bản ấy.

Nếu Quý Đức Cha đi đầu trong việc lên tiếng, thì sẽ có biết bao tín hữu trong nước cũng như ngoài nước sẵn sàng ủng hộ hết mình những tiếng nói bênh vực Giáo Hội một cách chính đáng của Quý Đức Cha. Và chắc chắn còn có rất nhiều tín hữu Công Giáo sẽ can đảm lên tiếng theo gương Quý Đức Cha, những chủ chăn của họ. Nếu Quý Đức Cha – là những người đầu tiên có trách nhiệm lên tiếng bênh vực Giáo Hội – mà lại không lên tiếng, thì những người cấp dưới sẽ có rất nhiều lý do để cũng cùng im lặng như vậy. Lúc đó, thật đáng tiếc cho Giáo Hội! Thật đáng buồn cho Đức Ki-tô! Thật tội nghiệp cho những ai bị áp bức bất công! Và thật đáng trách cho những người có trách nhiệm lớn nhất trong Giáo Hội! Không biết lúc ấy Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta thế nào?


IV. Kết thư

Nếu trong thư này và trong những thư trước con có nói hay làm điều gì sai trái làm phiền lòng Quý Đức Cha, kính xin Quý Đức Cha rộng lòng bao dung tha thứ, vì có thể nó xuất phát từ tâm trạng bức xúc trong lương tâm con trước hoàn cảnh của Giáo Hội và đất nước hiện nay. Một khi bức xúc thì cũng rất dễ chủ quan và mất sáng suốt. Xin Quý Đức Cha cũng hãy ghi nhận nơi đây lòng kính trọng, quý mến và tuân phục của con đối với Quý Đức Cha.

Cuối cùng, con kính chúc Quý Đức Cha luôn mạnh khỏe, an vui và vững tâm để chu toàn trách nhiệm dù lớn lao và khó khăn mà Thiên Chúa đã trao phó.

Kính thư

Một tín hữu Công giáo Việt Nam

Gioan Nguyễn Chính Kết
6/8A, Quang Trung, Phường 12,
Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
Email: sntm_nck@yahoo.com

No comments:

Post a Comment