Thursday, December 26, 2019

Tâm Thư Gửi Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (ngày 12/9/2002)



Tâm Thư Gửi Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

(ngày 12/9/2002)

Nguyễn Chính Kết

Lời Giới Thiệu của linh mục Phan Văn Lợi:

Ðại hội thường niên lần thứ 23 của Hội đồng Giám mục VN tại Hà Nội (07-12/10/2002) đã kết thúc với một bức thư gởi dân Chúa, một bức thư gởi chính quyền, một cuộc gặp gỡ với phái đoàn Tòa Thánh, một cuộc «gặp gỡ» với Trưởng ban tôn giáo Cộng sản.

Cuộc gặp gỡ với phái đoàn Tòa thánh có thông báo việc đạt được nửa thành quả trong chuyện bổ nhiệm giám mục và viếng thăm các giáo phận. Cuộc «gặp gỡ» với Trưởng ban Tôn giáo chỉ để thấy củng cố sợi dây thòng lọng tròng quanh cổ Giáo hội (tiếp tục khống chế việc huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm nhân sự). Bức thư gởi dân Chúa (thư mục vụ chứ không phải Thư Chung) đề cập thuần túy chuyện thánh hóa gia đình. Bức thư gởi chính quyền (linh mục thư ký HÐGM Nguyễn Ngọc Sơn từ chối tiết lộ nội dung chính xác) nói lên nhiều mặt tiêu cực về chính sách và tình hình tôn giáo : trì trệ nhiều năm, bất công kỳ thị, phân biệt đối xử, cột việc này với việc khác; nhiều giáo xứ gần 30 năm nay vẫn không được có nhà thờ, mục tử (Kontum); nhân viên chính quyền vào nhà giáo dân đập phá bàn thờ, tịch thu sách đạo, buộc giáo dân ký giấy cam đoan bỏ đạo...(Sơn La).

Qua bức thư này, các giám mục quả đã can đảm trình bày sự việc và mạnh mẽ phản kháng bạo quyền. Nhưng người ta vẫn chưa thấy các vị lên tiếng về những vấn đề nổi cộm: nhà nước CS kiểm soát nhân sự Giáo hội, tước đoạt phương tiện hoạt động của Giáo hội, xử án cha Nguyễn Văn Lý một cách bất công, bán đất bán biển của tiên tổ, gây nên tình trạng nghèo đói cho đất nước, tham nhũng và lãng phí ở mức độ kinh hoàng... dẫu đã có không ít kiến nghị thư với cả ngàn chữ ký lưu ý nhắc nhở các vị.

Chính vì thế, với sự cho phép của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu và phổ biến bức tâm thư gởi HÐGMVN của giáo sư Nguyễn Chính Kết, một khuôn mặt đấu tranh Công giáo không xa lạ gì. Bức thư phản ảnh mối ưu tư của toàn thể dân Chúa trước những bất cập vừa nêu trên...

Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Huế


*****


Sài Gòn, ngày 12/9/2002

Trọng kính :

– Ðức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Ðình Tụng
– Quí Ðức Cha trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

Con nghe nói HÐGMVN sắp họp hội nghị thường niên vào tháng 10 này, nên con viết bức tâm thư này kính gửi Ðức Hồng Y và Quí Ðức Cha. Ðầu thư, con xin kính chúc Ðức Hồng Y và Quí Ðức Cha luôn mạnh khỏe, dồi dào ân sủng của Thiên Chúa, và hội nghị thường niên này đạt được kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội Việt Nam.

Con viết bức thư này trong ý thức trách nhiệm của một Ki-tô hữu đối với tương lai Giáo Hội. Thật lòng mà nói, con cảm thấy chẳng hứng thú gì khi viết bức thư này, vì bản tính của con chẳng muốn động chạm tới ai. Mà những điều con sắp nói đây, chắc chắn khá động chạm, không chỉ đối với các Ðức Cha, mà còn đối với Nhà Nước nữa. Ðộng lực thúc đẩy con nói lên chỉ là lương tâm và ý thức của con trước tương lai của Giáo Hội.

Con nghĩ rằng là người Ki-tô hữu thì phải dám nói lên tiếng nói trung thực của mình khi lương tâm đòi buộc, dù điều đó có động chạm đến nhiều người, hoặc có thể gây bất lợi cho chính mình, hay dù điều ấy có là «điên rồ» trước mặt thế gian. Sự khôn ngoan Ki-tô giáo đâu phải lúc nào cũng trùng hợp với sự khôn ngoan của thế gian (x. 1Cr 18,17-25). Thực ra những điều con nói trong tâm thư này không vượt ra khỏi những gì mà con xét thấy có quyền nói chiếu theo những gì là đúng đắn ở trong hiến pháp và luật pháp Việt Nam.

Con xin được trình bày trung thực cảm nghĩ và lo âu của con. Con cảm thấy khá hoang mang về tình trạng hiện nay và nhất là tương lai của Giáo Hội Việt Nam.

Con sợ rằng Giáo Hội Công giáo Việt Nam mà con đang là một thành viên, nếu cứ theo đà này, thì đang sa vào cơn cám dỗ có thể làm cho cơ chế phẩm trật của Giáo Hội trong tương lai không còn là một cơ chế phẩm trật đúng nghĩa của Ðức Ki-tô và Công giáo nữa. Vì hiện nay, thứ tự do tôn giáo mà Giáo Hội Việt Nam ta đang hưởng là một thứ tự do có khả năng biến chất cơ cấu tổ chức trong Giáo Hội, biến nó thành một cơ cấu tổ chức theo ý muốn của một thế lực trần gian, chứ không còn thuộc về một Giáo Hội «thánh thiện, công giáo và tông truyền» nữa. Nếu con cái Giáo Hội được tự do hành đạo theo kiểu hiện nay, mà dần dần cơ chế phẩm trật của Giáo Hội không còn thuộc về Giáo Hội của Ðức Ki-tô, chỉ hiệp nhất với Giáo Hội toàn cầu ở bề mặt, chứ thực chất thì đang dần dần trở thành công cụ của một thế lực ngoài đời, nhất là một thế lực vô đạo, thì thứ tự do ấy có ích lợi gì? Nhiều khi con tự hỏi : có phải chúng ta đang hy sinh bản chất đích thực của Ki-tô giáo, phẩm chất đích thực của các chủ chăn, để mua lấy thứ tự do tôn giáo đang có, vốn chỉ tự do ở bề mặt, trong những sinh hoạt phụng tự và bí tích?

Thử hỏi: bản chất của Ki-tô giáo có phải chỉ giới hạn trong những lễ nghi, những bí tích... để chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác mà thực hiện cho bằng được những thứ ấy chăng? hay bản chất Ki-tô giáo cũng còn nằm trong những điều chính yếu khác? Có phải hiện nay chúng ta đang hy sinh những điều chính yếu ấy để được phép thực hiện những lễ nghi, bí tích kia không? Ðức Ki-tô đã phải vất vả lắm trong việc đả phá tinh thần vụ nghi thức, vụ bề ngoài của Do Thái giáo, để đề cao tinh thần cốt tủy của Do Thái giáo cũng như Ki-tô giáo. Ngài nói : «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23b).

Cho dù các bí tích Kitô giáo mà Ðức Kitô đã thiết lập tự chúng là những phương thế thông ban ơn cứu rỗi, thì Ngài vẫn xem việc thực thi công lý, tình thương ưu tiên hơn là việc cử hành bí tích và phụng tự khi mà để cử hành bí tích và phụng tự, chúng ta phải gác qua một bên hay tệ hơn nữa phải bỏ đi công lý và tình thương. Ngài đã chẳng từng nói : «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24) sao ? Chưa hết khi chúng ta cử hành các bí tích và các nghi lễ phụng tự khác mà lại không có tình thương hay xem thường công lý, thì những lúc cử hành như thế chúng ta không phải thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, mà trái lại chúng ta đang xúc phạm và phỉ báng Ngài. Thật vậy ngôn sứ I-sa-i-a cho thấy Thiên Chúa ghê tởm việc thờ phượng và cầu nguyện của những con người đối xử với đồng loại không ra gì : «Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu» (Is 1,14-15; x. Is 1,11-19).

Cho nên khi chúng ta hy sinh cái tự do chính yếu là tự do thực hiện «công lý, tình thương và lòng chân thành» để đổi lấy việc cử hành bí tích và phụng tự, thì chẳng phải chúng ta đã đi ngược lại ý muốn của Ðức Kitô và khinh thường sự thờ phượng đích thực đối với Thiên Chúa sao ? Thiết tưởng chúng ta có thể để cho cái sau bị cướp mất đi ngoài ý muốn của chúng ta, chứ không thể hy sinh cái trước được! Thiết tưởng người ta có thể dùng sức mạnh để ngăn cản chúng ta cử hành các bí tích và các lễ nghi phụng tự khác, nhưng không có sức mạnh nào có thể ngăn cản chúng ta thực thi công lý và tình thương trừ phi là giết chết chúng ta.

Nhưng cần phải đặt câu hỏi là nếu để được tự do thi hành các bí tích và các lễ nghi phụng tự khác mà phải hy sinh tự do thực hiện «công lý, tình thương, và lòng chân thành», thì cái tự do nói trước - mà ta có được bằng cách hy sinh cái sau - có còn là tự do thực sự, tự do đúng nghĩa nữa hay không? Cùng là tự do, nhưng có nhiều thứ tự do, cũng như cùng là hàng hóa, cùng là tiền bạc, nhưng có hàng giả, tiền giả. Bề ngoài thì hàng giả và hàng thật, tiền giả và tiền thật giống y hệt nhau, phải tinh tế mới nhận ra được. Nhưng thực chất thì hàng giả và hàng thật, tiền giả và tiền thật khác nhau lắm. Ngay cả các ngôn sứ, theo Kinh Thánh, cũng có loại thật và loại giả nữa. Dù thật hay giả, họ đều mang danh «ngôn sứ». Hình thức hay bề ngoài rất giống nhau, khó phân biệt, nhưng thực chất bên trong thì khác nhau một trời một vực.

Về ngôn sứ giả, Ðức Giê-su nói một câu rất hay: «Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi» (Mt 7,15). Ngôn sứ thật hay ngôn sứ giả bề ngoài đều hiền lành như nhau ; nhiều khi ngôn sứ giả còn có vẻ hiền lành hơn cả ngôn sứ thật nữa, có thế mới làm người ta tưởng thật chứ !

Muốn biết ngôn sứ nào thật hay giả, phải căn cứ vào bên trong chứ không phải bên ngoài. Ðể giúp phân biệt hai loại ngôn sứ ấy, Ðức Giê-su đưa ra một nguyên tắc đầy tính khoa học thực nghiệm : «Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái ? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. (...) Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai» (Mt 7,16-20). Ngài còn đưa ra những dấu hiệu bên ngoài để phân biệt : «Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa, (...) bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, (...) đang được no nê, (...) đang được vui cười, (...) được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,22-26).

Về tự do cũng tương tự như thế : có tự do giả và tự do thật. Bề ngoài hai thứ giống nhau lắm, nhưng thực chất thì khác nhau xa, và kết quả thì lại càng khác nhau nữa. Phải có những nguyên tắc mang tính khoa học thực nghiệm tương tự như của Ðức Giê-su, thì mới phân định thật giả một cách chính xác được. Tự do thật tuy phải trả giá rất mắc, nhưng dẫn đến những hiệu quả tốt là sự thăng tiến đích thực. Còn tự do giả thì chỉ phải mua với giá rẻ hơn - rẻ hơn chứ không hẳn là rẻ - nhưng sẽ dẫn đến hậu quả rất nguy hại là sự băng hoại, nên xét cho cùng lại trở thành vô cùng mắc. Cũng như dùng hàng giả hay tiền giả có thể dẫn đến nguy cơ như tai nạn, bệnh tật, tử vong, hoặc vào tù...

Con nghĩ: chúng ta nên ý thức lại xem cái tự do tôn giáo mà chúng ta đang có là thứ tự do nào, nó sẽ dẫn tới hậu quả nào. Cái hậu quả mà thứ tự do này đem lại mới là cái chúng ta cần phải xét cho kỹ. Nếu chỉ được ngay cái lợi trước mắt, mà phải chấp nhận một hậu quả tai hại và lâu dài về sau, thì liệu đó có phải là khôn ngoan không ? Cái hậu quả nguy hại nhất của thứ tự do giả hiệu mà con cảm thấy chúng ta đang mua bằng giá có vẻ rẻ ấy, đó là cơ cấu tổ chức của Giáo Hội Việt Nam trong tương lai không còn đúng với bản chất phải có của nó nữa, nhưng nó đúng với thứ bản chất mà những kẻ cầm quyền hiện nay mong muốn. Lúc đó, có lẽ con cũng chẳng cần phải tranh đấu để bảo vệ cái cơ cấu tổ chức mang danh ỡCông giáo Việt Namữ ấy, vì nó chẳng xứng đáng để con bảo vệ nữa. Thật vậy, cần gì phải bảo vệ một cơ chế phẩm trật mà hàng giáo sĩ chỉ là công cụ của thế quyền ?

Chúng ta không thấy rằng với chính sách tôn giáo hiện nay của nhà nước, nhất là chính sách tuyển chọn, đào tạo chủng sinh và bổ nhiệm các chức sắc trong Giáo Hội, hàng giáo sĩ của chúng ta đang dần dần bị nhà cầm quyền công cụ hóa từng bước đó sao? chúng ta có lo lắng về điều ấy không ? có lo sợ cho một hàng giáo sĩ bị biến chất không ? Cơ chế phẩm trật trong Giáo hội lúc đó, thay vì làm chứng cho Thiên Chúa, cho Ðức Giê-su, cho lẽ phải, cho chân lý, công lý, tình thương, trong đó các giáo sĩ là những «mục tử nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên» (Ga 10,11), thì lại là một cơ chế phẩm trật sẵn sàng câm lặng trước sự dối trá, trước bất công, trong đó các giáo sĩ sẵn sàng «thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy» (10,12), làm việc thì chẳng khác gì «kẻ làm thuê, không thiết gì đến chiên» (10,13), và tuy mang danh là người của Giáo Hội, nhưng thực chất không phải thế!

Với tất cả lương tâm và lòng thành thật, con nhận thấy rằng thứ tự do tôn giáo mà Giáo Hội Việt Nam ta đang hưởng chính là thứ tự do chắc chắn dẫn tới những hậu quả ấy. Lúc đó, cơ cấu tổ chức của Giáo Hội chúng ta sẽ là thứ giả danh, bề ngoài thì vẫn trung thành và hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, vẫn rao giảng Tin Mừng của Ðức Giê-su Ki-tô, nhưng thực chất thì không phải như vậy. Lúc ấy, chỉ cần tinh tế một chút là mọi người, dù không phải Công Giáo, cũng nhận ra được thực chất của cái cơ cấu tổ chức ấy.
So với các HÐGM khác trên thế giới, con cảm thấy HÐGMVN nhu nhược và thụ động trước những bất công xảy đến cho dân tộc mình, cho tôn giáo mình, cho những người bị áp bức. Thẳng thắn mà nói, người ta cảm thấy các giám mục Việt Nam có vẻ như thiếu dũng khí, thứ dũng khí mà mọi giám mục đều được hiểu là phải có. Ðiều này khiến người ta phải lấy làm lạ : các giám mục là những người ban phép Thêm Sức, một cách nào đó là ban dũng khí của Thánh Thần cho các Ki-tô hữu, chẳng lẽ chính các ngài lại thiếu dũng khí? Trong quá khứ, trước những trường hợp tài sản của Giáo Hội bị tước đoạt, con dân của mình vì tranh đấu cho Giáo Hội mà bị tù đày không được xét xử cách quang minh, việc bổ nhiệm những người lãnh đạo trong Giáo Hội bị lệ thuộc quá đáng vào nhà cầm quyền, v.v... các Ðức Cha hầu như luôn giữ im lặng, trừ một vài trường hợp cá biệt. Nhiều người cho sự im lặng ấy quả là một ỡmầu nhiệmữ, không sao giải thích thỏa đáng được!

Con thiết nghĩ: các Ki-tô hữu Việt Nam không mong muốn Quí Ðức Cha ủng hộ bất kỳ một thế lực chính trị nào, hay làm theo ý muốn của bất kỳ ai. Họ chỉ mong Quí Ðức Cha cứ phát biểu đúng sự thật, nói lên những gì mà lương tâm Ki-tô hữu và chức vụ giám mục của mình buộc phải nói. Những gì đúng đắn trong hiến pháp và luật pháp Việt Nam đương nhiên cho phép các Ðức Cha lên tiếng, phát biểu như thế. Và sau đó các Ðức Cha cứ an tâm và anh dũng phó thác trong tay Chúa, sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho mình cũng như cho toàn Giáo Hội Việt Nam, vì mình đã làm đúng với sự đòi buộc của lương tâm Kitô hữu. Ðó mới là sự tín thác đích thực mà Thiên Chúa muốn có nơi con cái Ngài, nhất là ở nơi những ai được Ngài kêu gọi vào vị trí chủ chăn.

***

Ðó là những cảm tưởng rất thật của con mà con mong được trình bày với Ðức Hồng Y và Quí Ðức Cha nhân dịp hội nghị thường niên sắp tới. Con cầu xin Thánh Thần ban cho Ðức Hồng Y và Quí Ðức Cha được luôn sáng suốt để tìm ra giải pháp tốt đẹp để Giáo Hội Việt Nam đi đúng đường lối của Thiên Chúa, và luôn can đảm để thực hiện giải pháp đó.

Trân trọng kính chúc Ðức Hồng Y và Quí Ðức Cha luôn an vui và mạnh khỏe.

Kính thư

Một Ki-tô hữu Việt Nam:
Gioan Nguyễn Chính Kết
6/8A, Quang Trung, Phường 12,
Quận Gò Vấp, TP. Hồ chí Minh.

No comments:

Post a Comment