Giáo
Hội và chính trị
Hiện nay, trong Giáo Hội Công giáo
Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, có một luồng tư tưởng rất phổ biến, đó
là người Công giáo, nhất là giới giáo sĩ, không nên làm chính trị. Nhiều người
thắc mắc về vấn đề này và cảm thấy bối rối hoang mang, vì:
– một đằng lương tâm và tình yêu
Kitô giáo thúc đẩy họ phải làm một cái gì khi thấy đồng bào của mình bị áp bức,
xã hội lắm bất công, nhân quyền bị chà đạp, Giáo Hội bị hạn chế tự do tôn giáo.
Mà dấn thân làm theo đòi hỏi của tình yêu và lương tâm trong trường hợp này thì
ít nhiều gì cũng liên quan đến chính trị.
– đằng khác, họ nghe phong thanh rằng theo giáo luật,
người công giáo – nhất là giới giáo sĩ – không được làm chính trị. Nếu như vậy,
thì dấn thân vào lãnh vực chính trị là lỗi luật Giáo Hội.
Thế là lương tâm của họ bị xung đột
giữa một đằng là đòi hỏi của tình yêu, đằng khác là luật của Giáo Hội.
Tôi nghĩ cần phải làm sáng tỏ vấn
đề này để xóa tan những bối rối hay hoang mang trong lòng nhiều người.
II. Nguyên tắc giải quyết
Riêng tôi, để giải quyết vấn đề
này, tôi dựa trên hai nguyên tắc căn bản sau đây, và gương của các vị giáo
hoàng trong mấy thế kỷ qua:
Luật
của lương tâm hay đức ái là luật tối thượng:
Giả như có sự xung đột giữa đòi hỏi
của lương tâm hay của đức bác ái với luật của Giáo Hội – hay với bất cứ thứ luật
nào khác của con người: luật nhà nước, luật tổ chức… – thì người Kitô hữu buộc
phải ưu tiên làm theo luật của lương tâm hay của đức ái.
Luật
của Giáo Hội về vấn đề làm chính trị:
• Giáo Hội phân biệt hai trường hợp:
– làm chính trị theo sự thúc đẩy của
lương tâm hay đức ái , nhằm lợi ích trực tiếp cho đại chúng,
– và làm chính trị đảng phái , nhằm
lợi ích trực tiếp cho phe nhóm hay đảng phái của mình; vì thế, lợi ích của đại
chúng chỉ được nhắm đến cách gián tiếp.
Theo luật Giáo Hội, giáo sĩ không
được phép làm chính trị đảng phái, còn giáo dân thì được tự do. Còn những gì mà
lương tâm hay đức ái đòi hỏi, dù có liên quan ít nhiều đến vấn đề chính trị,
thì dù là giáo sĩ hay giáo dân cũng đều nên làm và nhiều khi buộc phải làm.
Giáo Hội không chủ trương làm chính trị, chỉ chủ trương làm theo đòi hỏi của đức
ái hay của lương tâm mà thôi. Nếu khi làm theo những đòi hỏi của đức ái hay của
lương tâm mà việc ấy mang tính cách chính trị, thì Giáo Hội không vì thế mà
tránh né.
Gương
thực hiện đức ái trong Giáo Hội dẫu có tính cách chính trị :
Ngoài những nguyên tắc mang tính
lý thuyết trên, chúng ta còn có những mẫu gương cụ thể của các vị giáo hoàng
trong thế kỷ 20 vừa qua để chúng ta bắt chước, đồng thời để an tâm xác tín hơn
khi áp dụng hai nguyên tắc trên.
Chúng ta hãy khai triển hai nguyên
tắc căn bản trên và những tấm gương trong lãnh vực này của Giáo Hội:
A. Luật của lương tâm hay đức ái
là luật tối thượng
B. Luật của Giáo Hội về vấn đề làm
chính trị
C. Gương thực hiện đức ái trong
Giáo Hội dẫu mang tính chính trị
A. Luật của lương tâm hay đức ái là luật
tối thượng
1.
Lập trường của Đức Giêsu và của người Pharisêu đối với lề luật
Trong Tin Mừng Luca, có hai đoạn
như sau:
– «Ông trưởng hội đường (là một người Pharisêu) tức tối vì Đức Giêsu đã chữa
bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để
làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!”
Chúa đáp : “Những kẻ đạo đức giả kia ! Thế ngày sabát, ai trong các người lại
không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông
Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi
xiềng xích đó trong ngày sabát sao?”»Lc 13,14-16)
– «Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để
dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Đức Giêsu, có một người mắc bệnh
phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu :
“Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?” Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy
bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Người nói với họ : “Ai trong các ông có đứa
con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày
sabát?” Và họ không thể đáp lại những lời đó» (Lc 14,1-6).
Trong hai đoạn này, ta thấy có hai
khuynh hướng khác nhau:
a- Khuynh hướng vị luật của những người Pharisêu
Theo quan điểm của ông trưởng hội
đường thì luật giữ ngày sabát là luật Môsê, cũng là luật của Thiên Chúa. Vì thế,
người công chính phải tuân giữ lề luật: càng công chính thì càng phải giữ luật
một cách chi tiết. Ông quan niệm: nếu Đức Giêsu là người của Thiên Chúa thì tất
nhiên phải giữ luật Môsê, thậm chí còn nghiêm chỉnh hơn chính những người
Pharisêu nữa.Thật vậy, họ bàn thảo với nhau: «Ông ta
không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát» (Ga
9,16). Quan điểm của họ quả là hết sức hợp lý vì nó hoàn toàn được xây dựng
trên những đoạn Kinh Thánh khuyên người ta phải giữ luật. Vì thế, đối với họ,
việc giữ luật tôn giáo là vô cùng quan trọng. Do đó, nếu có sự xung đột giữa một
bên là giữ luật Chúa, một bên là đòi hỏi của lương tâm và đức ái, thì phải ưu
tiên cho việc giữ luật.
Vì thế, ông trưởng hội đường đề
nghị với dân chúng: «Đã có sáu ngày để làm việc,
thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!» Ngày
Sabát là ngày của Chúa, luật Môsê đòi buộc phải nghỉ ngơi vào ngày đó. Vô số đoạn
trong Cựu ước xác định luật này (x. Xh 16,23; 20,11; 31,15-16; Lv 16,31;
23,23.32; 26,2; Đnl 5,14). Vi phạm luật nghỉ ngày sabát là một tội rất nặng, phải
bị kết án tử hình (Xh 31:14-15; 35,2), nên ông và những người Pharisêu đòi hỏi
như thế thật hết sức hữu lý!
b- Khuynh hướng vị tha hay vì tình yêu của Đức Giêsu
Nhưng quan điểm của Đức Giêsu thì
khác hẳn. Đành rằng luật Môsê là luật của Thiên Chúa, nhưng khi có xung đột giữa
luật của Thiên Chúa với những đòi hỏi của lương tâm và đức ái, thì phải
ưu tiên tuân theo luật của lương tâm hay của đức ái. Nếu ngày sabát mà
lương tâm hay đức ái đòi buộc phải làm việc, phải chữa bệnh, thì phải chấp nhận
lỗi luật sabát mới đúng với ý Thiên Chúa. Đức Giêsu đưa ra trường hợp rất cụ thể:
«Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc
đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày
sabát sao?»
Lỗi luật sabát có thể dẫn đến tử
hình. Thế mà Đức Giêsu hoặc các tông đồ đã nhiều lần lỗi luật sabát vì lý do
bác ái hay vì một lý do chính đáng khác. Chẳng hạn: vụ các môn đệ Đức Giêsu bứt
bông lúa mì (x. Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6,1-5); Đức Giêsu chữa người bị bại
tay (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11); chữa một phụ nữ còng lưng (Lc
13,10-17); chữa người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6); chữa một người đau ốm ở hồ
nước tại Bếtdatha (Ga 5,1-18); chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41),
tất cả đều được làm vào ngày sabát. Ngài đã bị các kinh sư và luật sĩ cảnh cáo
nhiều lần về việc Ngài lỗi luật ngày sabát, và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn
bất chấp, vẫn cứ lỗi luật sabát vì lý do đức ái. Ngài đã làm như thế bất chấp
nguy hiểm. Ngài cũng không hề khuyên bảo người bệnh hãy đến với Ngài vào ngày
khác thì Ngài sẽ chữa bệnh cho. Cũng không bảo họ đừng đến với Ngài vào ngày
sabát để Ngài giữ luật sabát cho trọn vẹn.
Đó chẳng phải là một mẫu gương để
chúng ta noi theo sao, hỡi những người theo Đức Giêsu và những kẻ tự hào mình
theo Ngài?
2.
Tình yêu hay đức ái ví như hiến pháp, luật lệ khác ví như các khoản luật
Điều ấy cho thấy luật bác ái cao
trọng hơn bất cứ loại luật nào, dù là luật thành văn của Thiên Chúa như luật
Môsê, hay luật của Giáo Hội và những luật lệ do con người lập ra. Vì trong Kitô
giáo, đức ái được ví như hiến pháp, còn tất cả những luật lệ
thành văn khác đều chỉ được ví như luật pháp thôi. Luật pháp phải thể
hiện tinh thần của hiến pháp, giúp hiến pháp được thực hiện trong những trường
hợp cụ thể hơn của đời sống. Vì thế, nếu có trường hợp nào mà việc thi hành một
điều khoản nào đó trong luật pháp trở thành vi phạm hiến pháp thì trường hợp ấy,
ta không nên thi hành điều luật ấy. Nếu ai vẫn cứ thi hành điều luật ấy, thì
người ấy vi phạm hiến pháp. Nếu vì muốn thi hành cho đúng hiến pháp mà đành phải
vi phạm một điều khoản trong luật pháp, thì việc vi phạm đó không còn là vi phạm
nữa. Vì mục đích của luật pháp là để thực hiện hiến pháp, chứ không ngược lại.
Vì đức ái chính là hiến pháp, là
luật tối thượng bao trùm tất cả mọi khoản luật, nên thánh Phaolô đã dám quả quyết:
«Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8;
x. 18,10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em
chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Giacôbê thì cho đức bác ái là luật cao nhất
của Kinh Thánh: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải
yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8). Lời tuyên bố của hai vị thánh này thật rõ
ràng. Các ngài không hề nói: ai dâng thánh lễ mọi ngày trong cuộc đời, hay ai
siêng năng chịu các bí tích, hay ai ăn chay hãm mình suốt cuộc đời… thì đã chu
toàn lề luật, mà nói «Ai yêu người, thì đã chu
toàn Lề Luật». Thánh Âu
Tinh cũng nói: «Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et
fac quod vis).
Luật Môsê là luật của Thiên Chúa,
được chính Thiên Chúa truyền qua Môsê, nên nó cao trọng hơn luật của Giáo Hội,
vốn là luật của con người. Thế mà khi có sự xung đột giữa luật Môsê và đức ái
hay điều lương tâm đòi buộc, thì Đức Giêsu đã chấp nhận lỗi luật Môsê (tức luật
Chúa) chứ không chấp nhận lỗi đức ái hay lỗi luật lương tâm. Hiện nay, luật của
Đức Giêsu đã thay thế luật Môsê, và luật của Ngài là luật yêu thương, nên yêu
thương chính là luật tối thượng, đúng như thánh Giacôbê đã nói: «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là Ngươi phải yêu người thân cận
như chính mình» (Gc 2,8).
Ai coi nhẹ luật này hơn một luật nào đó của con người, thì câu sau đây của Đức
Giêsu đáng để cho họ suy nghĩ: «Dân này tôn kính Ta bằng
môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng
vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ
là giới luật phàm nhân» (Mt
15,8-9).
Vậy, mỗi người chúng ta hãy tự do
chọn lựa: hoặc theo lập trường của Đức Giêsu hoặc theo lập trường của ông trưởng
hội đường (cũng là của người Pharisêu).
3.
Lập trường của Giáo Hội về sự tối thượng của lương tâm và đức ái
Ta cũng hãy thử xem lập trường của
Giáo Hội về vấn đề này thế nào. Đọc sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, ta thấy
Giáo Hội chủ trương:
– «Con người luôn luôn phải tuân theo phán đoán chắc chắn
của lương tâm mình» (Giáo lý
Hội Thánh Công giáo, số 1790).
– «Nhờ lý
trí, con người nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa thúc đẩy mình làm lành lánh dữ» (x. GS
16). Mỗi người phải vâng theo lề luật ấy,
luật đang âm vang trong lương tâm mình, và thực hiện trong tình yêu mến Thiên
Chúa và tha nhân (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1706).
– «Lương tâm
là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con
người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng
nói của Người vang dội trong thâm tâm họ (GS 16)» (Giáo lý
Hội Thánh Công giáo, số 1776).
– «Lương tâm
là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Kitô (Newman, thư gởi
quận công Norfolk )» (Giáo lý
Hội Thánh Công giáo, số 1778).
Lương tâm chắc chắn, trong sáng,
đúng đắn là lương tâm phản ánh trung thực đức bác ái, nghĩa là lòng yêu thương
con người. Đó là lương tâm của Đức Giêsu, lấy tình yêu thương Thiên Chúa và tha
nhân làm chuẩn mực ưu tiên, hơn cả việc thực hành lề luật, dù là lề luật của
Thiên Chúa. Do đó, một lương tâm đặt nặng việc giữ những điều này luật nọ, những
lễ nghi này lễ nghi kia hơn việc thực hành tình yêu thương là một lương tâm sai
lạc.
Trong sách Giáo lý Hội Thánh Công
giáo (số 1789), Giáo Hội đưa ra những tiêu chuẩn phải có của một lương tâm chắc
chắn, không bị lệch lạc, là thứ lương tâm dựa trên tình yêu thương đối với tha
nhân:
Một vài quy tắc có thể áp dụng
trong mọi trường hợp:
– Không bao giờ được phép làm điều
xấu để đạt một kết quả tốt (1756)
– Khuôn vàng thước ngọc: «Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng
hãy làm cho người ta» (Mt 7,12; x. Lc 6,31; Tb 4,15) (1970)
– Đức ái Kitô giáo luôn luôn đòi
chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. «Phạm đến
anh em và làm thương tổn lương tâm của họ… là phạm đến Đức Kitô» (1Cr
8,12). «Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp
ngã» (Rm
14,21) (1827).
–«Mọi hành vi tốt theo đúng nghĩa
Kitô giáo không có nguồn gốc nào khác ngoài Tình Yêu và không có cùng đích nào
khác ngoài Tình Yêu» (số 25)
4.
Hãy noi gương Đức Giêsu: tiêu chuẩn cao nhất phải theo là đức ái
Như vậy, giả như có một luật của
Giáo Hội cấm ta không được làm một điều gì đó, nhưng lương tâm và đức ái lại
đòi buộc ta phải làm điều đó – rất nhiều trường hợp có sự xung đột như thế –
thì ta nên bắt chước Đức Giêsu: lấy đức ái làm tiêu chuẩn cao nhất phải theo.
Vì đức ái đòi hỏi một cách bao trùm không trừ một trường hợp nào; còn lề luật
thành văn… thì luôn luôn có những thiếu sót, nó không thể bao trùm mọi tình huống
trong cuộc đời. Do đó, lề luật thành văn luôn luôn có những luật trừ.
Mục đích của lề luật là để chi tiết
hóa những nguyên tắc mang tính tổng quát, để hướng dẫn mọi người áp dụng những
nguyên tắc tổng quát ấy vào những tình huống chi tiết va cụ thể của đời sống thực
tế. Tương tự như các điều khoản trong luật pháp là để hướng dẫn thực hiện cụ thể
những điều khoản trong hiến pháp. Do đó, khi có sự mâu thuẫn hay xung đột giữa
nguyên tắc tổng quát và những luật lệ, thì con người phải tuân theo nguyên tắc
tổng quát, nó đứng trên tất cả mọi điều luật trong lề luật.
Do đó, giả như Giáo Hội có đưa ra
một khoản luật cấm người Kitô hữu không được làm chính trị, thì bình thường ta
phải tuân theo luật Giáo Hội. Nhưng khi đức ái đòi buộc ta phải làm một điều gì
mang tính cách chính trị, thì nếu ta cứ cố chấp vào luật Giáo Hội để không làm
theo đòi hỏi của đức ái, thì ta đã lỗi luật của Đức Giêsu.
B. Luật của Giáo Hội về vấn đề làm
chính trị
1.
Có thật là Giáo Hội cấm người Kitô hữu không được làm chính trị?
Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta
cần phải tham cứu bộ luật của Giáo Hội. Liên quan đến vấn đề này, ta thấy có một
số điều khoản sau:
Điều 285§3: «Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành xử
quyền bính dân sự».
Điều 286: «Cấm các giáo sĩ không được đích thân hoặc nhờ người khác thi hành mậu dịch,
doanh thương nhằm kiếm lợi cho chính mình hoặc cho người khác, khi không có
phép của giáo quyền hợp pháp».
Điều 287§1: «Các giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người,
dựa trên nền tảng công bằng».
Điều 287§2: «Các giáo sĩ không được tham gia
tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp
đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội,
việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy».
Điều 289§1: «Vì nghĩa vụ quân sự không am hợp cho bậc giáo sĩ, cho nên các giáo sĩ
cũng như các ứng sinh chuẩn bị lãnh chức thánh, không được tự nguyện đăng ký
nghĩa vụ quân sự, nếu không có phép của Bản Quyền riêng».
2.
Cần phân biệt hai phương cách làm chính trị
Trong các điều trên, ta thấy lập
trường của Giáo Hội rất rõ ràng. Điều 287§2 cho biết: «Các giáo sĩ không được tham gia
tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp
đoàn». Thật vậy,
các giáo sĩ không được làm chính trị hiểu theo nghĩa là tham gia tích cực vào
các đảng phái chính trị. Tham gia vào các đảng phái là một cách trong rất nhiều
cách làm chính trị, dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn cũng là một trong những
cách làm chính trị. Giáo Hội chỉ cấm các giáo sĩ làm chính trị theo hai cách thức
đó một cách tích cực, chứ không phải là cấm bất kỳ phương cách làm chính trị
nào.
Nếu Giáo Hội nói «các giáo sĩ không được làm chính trị» thì mới có nghĩa là các giáo sĩ
không được làm chính trị trong bất cứ trường hợp nào. Nhưng Giáo Hội chỉ xác định
«các giáo sĩ» (chứ không phải giáo dân) «không được tham gia tích cực» (chứ
không cấm tham gia cách tiêu cực) «vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo
trong các nghiệp đoàn» (chứ không phải vào trong tất cả mọi lãnh vực khác của
chính trị). Nếu Giáo Hội đã nói rõ ràng và đích danh hai cách ấy như vậy, chứ
không nói một cách chung, thì điều ấy không
có nghĩa là Giáo Hội cấm các giáo sĩ làm chính trị trong mọi trường hợp.
3.
Đừng giải thích luật một cách hồ đồ
Khi đọc hay giải thích luật, chúng
ta không thể giải thích một cách cẩu thả, hồ đồ. Tương tự như khi cha mẹ ra lệnh
cấm con cái: «Con không được chơi trong giờ học», thì
không có nghĩa là cha mẹ cấm con không được chơi trong bất kỳ trường hợp nào,
mà chỉ cấm chơi trong giờ học mà thôi. Nghĩa là chúng có quyền chơi bất cứ lúc
nào ngoại trừ giờ học. Nói khác đi, bình thường là nó được phép chơi, và nó chỉ
không được phép chơi trong một hoàn cảnh bất thường là giờ học mà thôi. Nếu có
đứa con nào nghe câu nói này của cha mẹ mà không dám chơi đùa trong bất cứ trường
hợp nào, kể cả giờ giải trí, kể cả trong sân chơi, thì đứa bé đó quả đúng là
thiếu trí tuệ, thiếu óc phán đoán.
Cũng trong điều 287§2, Giáo Hội
còn nói thêm: «Trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm
quyền của Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi
như vậy». Như vậy
nghĩa là không phải Giáo Hội tuyệt đối cấm giáo sĩ làm chính trị đảng phái, mà sẵn sàng cho phép khi «việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy». Do đó,
khi «việc bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội và cổ võ công ích
đòi hỏi» , các
giáo sĩ cũng có quyền «tham gia tích cực vào các đảng
phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn».
4.
Cần phải hiểu tinh thần của những điều luật trên
Đọc những điều luật trên, ta thấy
cốt ý của Giáo Hội khi đưa ra những hạn chế cho các giáo sĩ trong lãnh vực
chính trị là để các giáo sĩ được tự do không bị vướng mắc vào một tập thể xã hội
nào, nghĩa là để các giáo sĩ vẫn luôn luôn là người của mọi người, chứ không phải
là người của bất kỳ phe đảng nào. Vì một khi đã ở trong một phe đảng nào, hay
tham gia vào một tổ chức chính trị nào, thì giáo sĩ ấy sẽ phải hành động theo đảng
cương hay luật riêng của tổ chức ấy. Mà trong nhiều trường hợp, đảng cương hay
luật riêng của tổ chức ấy
– hoặc đi ngược lại với quyền lợi
của đại chúng, khiến giáo sĩ ấy tỏ ra không còn là người của đại chúng nữa.
– hoặc đi ngược lại với quyền lợi
hay luật của Giáo Hội, khiến giáo sĩ ấy không còn hành động vì quyền lợi Giáo Hội
hay không thể tuân theo luật Giáo Hội được nữa.
Vả lại, khi một giáo sĩ gia nhập một
đảng nào đó, thì giáo sĩ ấy trở thành người của đảng ấy chứ không còn thuần túy
là người của đại chúng nữa. Vì rất có thể giáo sĩ ấy sẽ phải bênh vực quyền lợi
của đảng mình mà chống lại các đảng đối lập. Như vậy thì những người trong các
đảng đối lập ấy không thể coi giáo sĩ ấy là người của quần chúng được.
Mục đích của những điều khoản
trong giáo luật kể trên là muốn các giáo sĩ trở thành người của đại chúng, chứ
không thuộc một phe nhóm nào, để không bị ràng buộc trong việc thi hành những
gì mà ích lợi chung của Giáo Hội hay xã hội đòi hỏi. Nay nhiều giáo sĩ lại nại
vào những chính những điều khoản giáo luật này – bằng cách cắt nghĩa chúng một
cách phiến diện và lệch lạc – để biến mình thành những nhóm người có đặc quyền
không phải thi hành những trách nhiệm chung ích lợi cho Giáo Hội hoặc xã hội.
Chẳng hạn họ dựa vào những điều khoản giáo luật mà họ hiểu nửa vời này – lấy cớ
rằng giáo sĩ không được làm chính trị – để từ chối trách nhiệm đứng ra bênh vực
những quyền lợi chung của Giáo Hội, bảo vệ Giáo Hội khỏi những bách hại của thế
quyền… mà để mặc việc bênh vực đó cho ai làm thì làm, còn mình thì hoàn toàn vô
trách nhiệm. Thiết tưởng chính những giáo sĩ này đang vi phạm những khoản giáo
luật vừa nêu trên bằng mặt trái của chúng.
Thử hỏi khi các giáo sĩ đứng ra
lên tiếng bênh vực Giáo Hội thì các vị chứng tỏ mình là người của Giáo Hội nhiều
hơn, hay ngược lại? Khi họ ra sức bênh vực những người nghèo hèn, bị áp bức,
thì họ chứng tỏ họ là người của quần chúng hay của một nhóm riêng tư nào? –
Chính lúc họ im lặng khi Giáo Hội bị lâm nguy, khi đất nước bị xâm hại, thì họ
chứng tỏ mình chỉ là một nhóm người đứng ngoài, vô trách nhiệm với Giáo Hội và
đất nước mình. Điều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của những điều khoản
giáo luật trên.
C. Gương thực hiện đức ái trong Giáo Hội
dẫu có mang tính chính trị
Suốt lịch sử Giáo Hội, mặc dù có
những sai sót, Giáo Hội vẫn cố gắng tự chứng tỏ mình yêu thương và quan tâm đến
thế giới, đến lợi ích và hạnh phúc chung của toàn nhân loại. Vì thế, Giáo Hội
đã nhiều lần đưa ra những nguyên tắc đề nghị thế giới tuân theo để nhân loại được
hoà bình, thịnh vượng. Và cũng nhiều lần Giáo Hội đã lên án những lý thuyết, những
thế lực chính trị có hại cho lợi ích chung của con người. Như vậy, có phải là
Giáo Hội đã làm chính trị không? – Thưa: Không bao giờ Giáo Hội lại chủ trương
làm chính trị. Nhưng khi đức ái hay lương tâm Kitô giáo đòi buộc Giáo Hội phải
làm một điều gì, thì Giáo Hội phải làm điều đó một cách độc lập, bất chấp điều
đó có mang tính chính trị hay không. Vì đòi hỏi của đức ái và lương tâm là đòi
hỏi tối thượng. Nghĩa là Giáo Hội không chủ trương né tránh hay kiêng kỵ những
gì có tính cách chính trị khi thực hiện những gì đức ái hay lương tâm Kitô giáo
đòi buộc.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng
ta thử xem Giáo Hội ở cấp cao nhất đã hành xử thế nào khi thực hiện những đòi
buộc của đức ái và lương tâm Kitô giáo.
Giáo Hội – chính xác hơn là một số
giáo hoàng – đã đưa ra tới 10 văn kiện giáo huấn về xã hội (*) đòi hỏi mọi người
và mọi chế độ, mọi quốc gia phải xây dựng công bằng xã hội, phải giải quyết những
bất công… Làm như thế có phải là Giáo Hội đã làm chính trị không? Thưa KHÔNG.
Giáo Hội không chủ trương làm chính trị, mà chỉ chủ trương làm theo lương tâm
và đức ái mình thôi. Nhưng rõ ràng một cách không thể chối cãi là những hành động
ấy ít nhiều mang tính chính trị, vì chúng ảnh hưởng rộng lớn đến chính quyền
không chỉ của một quốc gia, mà của rất nhiều nước trên thế giới.
– Đức Lêô XIII trong hai thông điệp «Tân Sự» (Rerum
Novarum) và «Tứ Thập Niên» (Quadragesimo Anno) đã tố cáo gay gắt tình trạng lầm
than và bất công mà giới thợ thuyền phải gánh chịu trong xã hội tư bản Âu châu.
Ngài gọi đó là cái họa tai ác của xã hội (le mal social). Ngài mô tả tình trạng
giới thợ thuyền thời ấy «là một cái ách tương tự như
ách nô lệ». Ngài
cũng lên tiếng phản bác hai luận điểm chính yếu của chủ nghĩa mácxít là đấu
tranh giai cấp và xóa bỏ quyền tư hữu.
– Đức Gioan XXIII trong Thông điệp «Mẹ Và Thầy» (Mater et
Magistra) đã lên tiếng tố cáo những nước tư bản giàu có đang làm cho sự chênh lệch
giàu nghèo giữa các nước ngày càng gia tăng.
– Đức Phaolô VI trong Thông điệp «Phát Triển
Các Dân Tộc»
(Populorum Progressio) chủ trương không được dùng bạo lực để giải quyết bất
công, nhưng lại chấp nhận có luật trừ là có thể dùng bạo lực để lật đổ một chế
độ bạo chúa (số 31). Trong trường hợp này, nếu không nên dùng bạo lực thì ít ra
cũng phải dám cải tổ bằng những biện pháp táo bạo, mạnh dạn.
– Đức Gioan-Phaolô II trong thông điệp «Bát Thập
Niên»
(Octogesima Adveniens), Ngài chủ trương đấu tranh cho công bằng xã hội và phẩm
giá con người, và ngài coi sự đấu tranh này là bộ phận tất yếu của công cuộc
phúc âm hóa. Ngài có một điểm nổi bật là thường du hành tới các lục địa, thăm
viếng mục vụ các Giáo Hội địa phương, đồng thời đối thoại với các dân tộc và thế
giới.
Trong thông điệp «Mối Bận Tâm Về Vấn Đề Xã Hội» (Sollicitudo Rei Socialis), ngài chủ trương: phải thật
sự phát triển con người và các dân tộc, phải bảo vệ các quyền căn bản của con
người, kể cả quyền tự do tôn giáo.
Trong thông điệp «Bách Chu Niên» (Centesimus Annus), ngài nhắc lại chủ trương của Đức Lêô
XIII trong thông điệp «Tân Sự» (Rerum
Novarum) là:
– Giáo Hội có quyền và có trách
nhiệm nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề xã hội.
– Người nghèo phải là ưu tiên chọn
lựa của Giáo Hội.
– Phải tranh đấu, bảo vệ và tôn trọng
nhân vị, nhân phẩm, vì con người là hình ảnh và là con cái của Thiên Chúa.
Đức Gioan-Phaolô II tố cáo chủ
nghĩa mácxít đã quan niệm sai lầm và lệch lạc về con người và xã hội, làm mất
đi nhân cách của cá nhân và xã hội, đồng hóa lợi ích của Đảng và Nhà nước độc
tôn với lợi ích của xã hội hoặc công ích.
Trong cuộc chiến Iraq năm 2003 vừa
qua, ngài đã lên tiếng phản đối và lên án Hoa Kỳ đã tấn công Iraq bất chấp sự
không đồng ý của Liên Hiệp Quốc.
Đó, các vị giáo hoàng của chúng ta
lên tiếng và hành động như thế đấy. Làm như thế, các ngài chứng tỏ các ngài
chính là những con người của đại chúng, của cả nhân loại, chứ không phải của một
quốc gia, một dân tộc, một phe nhóm hay một phe phái riêng lẻ nào. Các ngài chẳng
hề chủ trương làm chính trị để đạt được một quyền lực nào đó, hay làm chính trị
với tư cách chính trị gia. Mục đích của các ngài chỉ là làm cho đúng những gì đức
ái và lương tâm đòi buộc, và thực hiện sứ mạng mà Đức Giêsu đã trao phó cho
Giáo Hội. Nghĩa là các ngài lên tiếng cho chân lý, công lý và tình thương, cho
Thiên Chúa, cho lương tâm con người, bất chấp những hành động ấy có mang tính
cách chính trị hay không.
Vậy tại sao chúng ta lại tránh né
thực hiện những gì có tính cách chính trị đang khi lương tâm và đức ái của
chúng ta lại đòi hỏi chúng ta phải thực hiện những điều ấy? Chẳng hạn như phải
lên tiếng hay phải làm một cái gì để cải thiện tình trạng tồi tệ của thế giới,
của Giáo Hội, của xã hội hay của môi trường chúng ta đang sống?
Kết luận
Khi cứu xét tinh thần của Đức
Giêsu cũng như những điều khoản của Giáo Luật, ta thấy:
1. Luật tối thượng của Kitô giáo
là đức ái hay luật của lương tâm. Lương tâm được gọi là đúng đắn khi nó phản
ánh trung thực những đòi hỏi của đức ái. Điều đó có nghĩa là đức ái là một thứ
hiến pháp phải được đặt cao hơn tất cả mọi khoản luật thành văn của Giáo Hội
hay của bất kỳ thứ luật nào của con người. Do đó, khi có sự xung đột giữa những
đòi hỏi của đức ái và luật của con người, thì phải ưu tiên tuân theo những đòi
của đức ái. Vì thế, người Kitô hữu phải hành động theo đòi hỏi của đức ái và
lương tâm Kitô giáo, bất chấp hành động ấy có mang tính chính trị hay không.
2. Quả thật Giáo Hội có những khoản
luật cấm các giáo sĩ không được làm chính trị trong một số trường hợp, đặc biệt
những trường hợp khiến các giáo sĩ trở nên người của một đảng phái chứ không
còn là người của Giáo Hội hay của quần chúng nữa. Điều đó không có nghĩa là
Giáo Hội cấm các giáo sĩ làm chính trị khi đức ái và lương tâm đòi buộc điều ấy.
Nếu khi đức ái đòi buộc các giáo sĩ phải bênh vực Giáo Hội và đứng về phía quần
chúng mà các giáo sĩ lại không thực hiện bổn phận ấy, thì họ đã chẳng những đi
ngược lại tinh thần của Đức Kitô, mà còn đi ngược lại tinh thần các khoản luật
của Giáo Hội nữa.
3. Ngoài ra, chúng ta có những mẫu
gương của những vị giáo hoàng trong thế kỷ 20 vừa qua, là những người đứng đầu
Giáo Hội, là những người có uy tín và đúng đắn nhất để chúng ta noi theo. Các
ngài không hề chủ trương làm chính trị, nhưng khi đức ái đòi buộc, các ngài sẵn
sàng lên tiếng cổ võ cho lợi ích chung của nhân loại, đồng thời chống lại những
thế lực đi ngược lại lợi ích chung ấy, bất chấp làm như thế có phải là làm
chính trị hay không.
Điều này cũng tương tự như những bậc
cha mẹ hiền lành không bao giờ chủ
trương đánh nhau với ai. Nhưng khi con cái của mình bị kẻ xấu bắt nạt, hãm
hại, thì tình thương đòi buộc họ phải can thiệp. Không vì kiêng kỵ chuyện đánh
nhau mà để cho con mình bị sứt đầu mẻ trán, hay gãy chân gãy tay. Việc đánh
nhau ấy không phải vì chủ trương đánh nhau, mà vì chủ trương phải yêu thương và
bảo vệ con cái. Cha mẹ nào vì kiêng kỵ chuyện đánh nhau mà đành để con cái mình
bị hãm hại, thì chắc chắn đó không phải là thứ cha mẹ thật sự yêu thương con
cái. Chính Chúa Giêsu cũng chủ trương sẵn sàng liều mình vì đàn chiên của mình
khi đàn chiên bị sói tấn công (x. Ga 10,11.15)!
_____________________________________________
Chú thích
(*) 10 văn
kiện này gồm có:
1. Thông điệp «TÂN SỰ» (Rerum Novarum) của Đức Lêô XIII (1891).
2. Thông điệp «TỨ THẬP NIÊN» (Quadragesimo Anno) của Đức Piô XI (1931).
3. Thông
điệp «MẸ VÀ THẦY» (Mater et Magistra) của Đức Gioan XXIII (1961).
4. Thông
điệp «HÒA BÌNH TRÊN TRÁI ĐẤT» (Pacem in
Terris) của Đức Gioan XXIII (1963).
5. Hiến chế
«VUI MỪNG VÀ HY VỌNG» (Gaudium et Spes) của Công đồng
Vatican II (1965).
6. Thông
điệp «PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC»
(Populorum Progressio) của Đức Phaolô VI (1967).
7. Tông
thư «BÁT THẬP NIÊN» (Octogesima Adveniens) của Đức Phaolô VI (1971).
8. Thông
điệp «LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI» (Laborem
Exercens) của Đức Gioan-Phaolô II (1981).
9. Thông
điệp «MỐI BẬN TÂM VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI»
(Sollicitudo Rei Socialis) của Đức Gioan-Phaolô II 1987.
10. Thông
điệp «BÁCH CHU NIÊN» (Centesimus Annus) của Đức Gioan-Phaolô II (1991).
No comments:
Post a Comment