Sunday, December 29, 2019

Cai-thien-giao-hoi


Hãy cải thiện Giáo Hội địa phương
từ gốc chứ đừng từ ngọn

Lời Tòa soạn:
 Sau khi bài viết "Cải thiện Giáo Hội..." của Giáo sư Nguyễn Chính Kết được gửi cho mấy thân hữu, lập tức có một số người cảm thấy ái ngại và chưa muốn phổ biến bài viết này. Riêng chúng tôi, chúng tôi tự nghĩ một người từ trong hoàn cảnh quốc nội khó khăn lại dám thẳng thắn và gan liều đóng góp cho công cuộc cải thiện Giáo Hội, thế thì tại sao chúng ta, những người làm truyền thông Công Giáo tại Hải ngoại, có hoàn cảnh tự do thuận lợi, được Chúa và Giáo Hội trao cho trách vụ phải loan báo và làm chứng tá cho Tin Mừng, chúng ta lại e dè, lo ngại? Chính ý nghĩ vừa rồi đã khiến chúng tôi phải mạnh dạn phổ biến các bài viết này với đầy thiện chí và trách nhiệm trên diễn đàn Tiếng Nói Giáo Dân. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp từ mọi phía và chúng tôi sẽ chuyển tới tác giả như một diễn đàn (forum): "Sự thật sẽ giải phóng chúng ta" khỏi mọi đình đốn và trì trệ!)

***
Nỗ lực của các Giáo Hội địa phương

Các chủ chăn, các bề trên của các chủng viện và dòng tu, những người có trách nhiệm trong Giáo Hội từ trước đến nay thời nào, lúc nào cũng có những ưu tư, nỗ lực cải thiện Giáo Hội, để Giáo Hội trở nên tinh tuyền, thánh thiện hơn. Điều đó thật đáng quý, đáng khuyến khích. Nhưng dường như đa số những nỗ lực ấy chỉ nhằm sửa đổi Giáo Hội ở phía "ngọn" chứ không ở tại "gốc". Vì thế, nếu có thành công trong việc sửa đổi ấy, thì thành quả chỉ có thể tồn tại được một thời gian rất ngắn. Sau đó tình trạng lại trở về như cũ, và lúc nào cũng đòi hỏi phải có những nỗ lực mới tương tự. Hễ ngừng nỗ lực cải thiện là lập tức Giáo Hội trở nên "như cũ". Do đó, muốn thật sự cải thiện Giáo Hội, cần phải cải thiện từ trong cơ chế, từ trong những thói quen hay tập tục lâu đời của Giáo Hội. Chính những tập tục này liên tục phát sinh những tiêu cực trong Giáo Hội hết thế hệ này sang thế hệ khác.

Vì thế, nếu các chủ chăn và bề trên thật sự muốn cải thiện Giáo Hội, thì các ngài cần phải can đảm đặt lại vấn đề từ nền tảng và sửa đổi theo ánh sáng mà lý trí sáng suốt soi rọi khi xét những vấn đề nền tảng ấy.

Sau đây là ý kiến của một giáo dân thật sự thao thức với sự phát triển của Giáo Hội. Vì thế, những ý kiến này là những suy nghĩ rất thành thật, không muốn thêu dệt thêm chút nào, không muốn cường điệu hóa vấn đề lên dù chỉ một chút xíu, mà chỉ muốn nói lên một sự thật. Tuy nhiên, dù không muốn, chắc chắn người viết bài này vẫn không thể tránh được ít nhiều chủ quan. Và dẫu sao đó cũng chỉ là một cách nhìn một chiều vì là của một giáo dân nhìn từ dưới lên, cần được kết hợp với những cái nhìn khác của các vị chủ chăn nhìn từ trên xuống mới có thể toàn diện và khách quan. Dù chỉ là cái nhìn một chiều, tác giả cũng xin được trình bày cái nhìn của mình để góp phần làm nên một cái nhìn toàn diện của nhiều người từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Nếu có ai đọc và cảm thấy bị xúc phạm, hoặc thấy người viết có phần nào quá đáng, thì cũng xin thông cảm và tha thứ. Chỉ mong người đọc bài này tin tưởng vào thiện chí xây dựng Giáo Hội của tác giả.

Cơ cấu xã hội độc tài, một "phản mẫu" (*1) cho Giáo Hội

• (*1)  "Phản mẫu" (anti-exemplaire): là một mẫu gương mà Giáo Hội nên tránh.
Để rộng đường suy luận về những vấn đề trong Giáo Hội, thiết tưởng ta nên suy nghĩ về vấn đề cơ cấu của những xã hội độc tài, đảng trị, để từ đó rút ra những bài học cho Giáo Hội.

Hiện nay, trong những quốc gia độc tài, đảng trị, chuyên chế và độc đảng (như Trung Quốc, Đại Hàn, Cuba, Iraq, và một vài nước khác), một người dân nếu muốn đem tài năng ra để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, hoặc muốn tiến thân trong xã hội, thì phải gia nhập đảng, phải trở thành đảng viên của cái đảng duy nhất ấy. Gia nhập đảng thì sẽ được nhà nước tạo mọi điều kiện để thăng tiến trong xã hội, chẳng hạn được học hành, tu nghiệp, học hành xong thì được giao quyền hành để điều khiển xã hội, v.v… Ngoài ra, còn biết bao những đặc quyền đặc lợi kèm theo cho những ai đã gia nhập đảng hoặc đã được đảng giao quyền hành, địa vị trong xã hội. Còn những ai không gia nhập đảng, thì dù có tài năng hay đức độ cách mấy cũng khó mà ngoi lên trong xã hội, khó mà được giao một trọng trách nào quan trọng phù hợp với khả năng và đức độ của mình để có thể phục vụ xã hội một cách tương xứng. Nhưng nếu chỉ như thế thì không đến nỗi nào. Tệ hơn nữa, một thể chế hay cơ cấu xã hội như thế còn sản sinh ra những người lãnh đạo xã hội bất tài thất đức, gây thiệt hại rất nhiều cho quê hương, làm đất nước chậm tiến bộ hẳn lại.

Thật vậy, là người ai mà chẳng muốn sướng thân, chẳng muốn thăng tiến trong xã hội. Nhưng những người tài đức nhiều khi lại không thấy lý tưởng của đảng thích hợp với mình, và họ không đủ tính "vô liêm sỉ" để vào đảng hầu được dễ tiến thân hơn những người bình thường khác. Thế là họ bị loại bỏ khỏi những điều kiện tốt để thăng tiến. Do đó, muốn thăng tiến trong xã hội, họ phải đem hết tài năng và đức độ của họ ra để phấn đấu và vượt thắng trong một môi trường hết sức khó khăn: một "miếng thịt" mà hàng trăm người nhìn thèm thuồng, một "cái ghế" mà hàng ngàn người muốn giành giật.

Nếu có giành được "miếng thịt" hay "cái ghế" ấy, thì họ lại còn phải đối phó với cái cảnh "trâu buộc ghét trâu ăn" nữa. Không vào đảng, dẫu có giành được "miếng thịt" hay "cái ghế" ấy thì cũng khó mà giữ được, cho dù chỉ là những "miếng thịt" hay "cái ghế" hạng thấp, vì những "miếng thịt" hay "cái ghế" hạng cao thì không bao giờ dành cho họ, những người ở ngoài đảng.

Vì thế, những người bất tài thất đức – vốn cũng rất muốn những "miếng thịt" hay "cái ghế" ấy, và nhiều khi còn muốn hơn ai hết – sẽ tìm con đường dễ nhất để đạt tới. Vì nếu đi theo con đường chung của mọi người, thì họ – vốn kém cỏi hơn mọi người – sẽ chẳng bao giờ ngoi lên được! (*2) 
(*2) Napoléon nói: "Có hai loại thú có thể lên tới đỉnh núi cao chót vót: loại đại bàng và loại bò sát. Đại bàng tượng trưng cho hạng chính nhân quân tử, tài cao đức trọng, họ tiến thân trong xã hội bằng chính tài đức của mình. Bò sát tượng trưng cho hạng tiểu nhân, họ tiến thân trong xã hội bằng nịnh nọt, luồn cúi, đội trên đạp dưới".
Do đó, họ sẽ phải nghĩ tới phương tiện dễ nhất, ít chông gai nhất, là gia nhập đảng. Chỉ cần được huấn luyện trong trường đảng một thời gian, sau một số thử thách chủ yếu về việc trung thành với đảng hơn là về tài năng và đạo đức, họ sẽ được giao cho một nhiệm vụ, với một chức vụ, và một số đặc quyền đặc lợi nào đó. Địa vị, tiền bạc, quyền lực, uy tín, sự kính trọng – mà nếu không vào đảng, họ khó hoặc không thể với tới được – mặc nhiên đi theo sự đề bạt ấy của đảng và nhà nước. Cuộc đời họ, nếu không phạm những lầm lỗi trầm trọng, sẽ ngày càng thăng tiến trên bậc thang danh vọng đã tiền định cho họ. Thật là một cơ hội dễ dàng để thăng tiến ngoài xã hội cho những ai chấp nhận vào đảng. Và con đường dễ dàng ấy quả thật hấp dẫn cho những kẻ bất tài muốn leo thang trong xã hội. Thế là biết bao kẻ bất tài thất đức sẽ lọt vào số những người nắm quyền lãnh đạo xã hội.

Động cơ để vào đảng nếu không phải là phục vụ nhân dân cho bằng để tiến thân ngoài xã hội, để làm giàu, để có quyền lực trong tay, thì khi đã đạt được những thứ ấy, làm sao họ có thể phục vụ dân chúng được. Họ không có tài đức, làm sao có thể làm cho dân giàu nước mạnh được? Đương nhiên, họ sẽ trở thành những tham quan, chuyên hối lộ, tham nhũng, đục khoét tài sản quốc gia. Đối với dân chúng, họ sẽ hống hách, cửa quyền, áp bức, bóc lột dân chúng. Tư cách thì đội trên đạp dưới. Khi đất nước lâm nguy, họ sẵn sàng làm đủ mọi cách để được an toàn bản thân và gia đình. Nếu cần phản bội tổ quốc để được an toàn, họ cũng sẵn sàng. Quốc gia sẽ ngày càng tụt hậu, dân chúng lầm than, nghèo khổ. Thực tế cho thấy những quốc gia đi theo con đường độc tài, đảng trị và độc đảng đều gặp thảm trạng trên.


Giáo Hội không nên đi vào mô hình cơ cấu ấy

Một cơ cấu xã hội như thế đang bị các dân tộc trên thế giới đả phá, bài trừ, vì nó rất dở, rất phản khoa học và đạo đức, không đem lại tiến bộ cho đất nước và xã hội. Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đã bỏ, thậm chí bài bác tích cực những mô hình cơ cấu xã hội như thế. Chỉ còn một vài quốc gia – rất thiểu số – vẫn áp dụng mô hình cơ cấu xã hội ấy mà thôi. Họ duy trì mô hình cơ cấu này không phải vì họ không biết nó dở nó tệ, mà vì họ vẫn muốn tiếp tục nắm quyền để tiếp tục vơ vét cho bản thân, cho gia đình họ. Và những quốc gia này quả thực là những nước kém tiến bộ, và nhân dân thường là bị áp bức, nhiều bất công và lắm đau khổ.

Nhưng thử xét xem, Giáo Hội chúng ta có mô hình cơ cấu tương tự như thế không? Thành thực mà nói, nếu phải kể tất cả những tập thể mang tính xã hội đang áp dụng những mô hình cơ cấu như thế hoặc tương tự như thế, chúng ta phải kể trong đó có Giáo Hội Công giáo, ít là Giáo Hội Công giáo địa phương của chúng ta. Thật vậy, có một sự song đối (parallélisme) nào đấy rất rõ rệt giữa cơ cấu xã hội của những nước nói trên với cơ cấu Giáo Hội.

1) Trước hết, về tính độc tài, thiếu dân chủ:

Trong những xã hội độc tài, đảng trị, người dân không bao giờ được chọn người lãnh đạo mình, mà đảng chọn thay cho người dân. Nếu có bầu cử thì chỉ là một hình thức lừa mị dân, làm cho "có vẻ dân chủ" mà thôi. Giáo Hội Công giáo có phần nào như vậy, kể từ thế kỷ thứ 4 trở đi (*3), người dân chẳng bao giờ được bầu người lãnh đạo của mình. 
(*) Từ thế kỷ thứ 4 trở về trước, có những trường hợp những người lãnh đạo Giáo Hội là do dân bầu lên, chẳng hạn trường hợp thánh Ambrôsiô (340-397), một giáo phụ của Giáo Hội, được bầu lên từ một giáo dân lên làm tổng giám mục thành Milan. Ngài là một vị giám mục tài ba, lỗi lạc. Nếu ở vào thời này, ngài chỉ có thể vĩnh viễn là một giáo dân!
Chức năng "vương đế" của Đức Giêsu mà người giáo dân lãnh nhận khi chịu phép rửa tội được hiểu là tính phục vụ, là được làm người dân trong một vương quốc Giáo Hội, nghĩa là "được cai trị" (theo nghĩa thụ động). Chỉ có hàng giáo sĩ thì mới thật sự "cai trị" (theo nghĩa chủ động) (*4) mà thôi. Đáng lẽ khi chủ trương chức năng "vương đế" tức "làm chủ", Giáo Hội phải dân chủ hơn tất cả mọi quốc gia trên thế giới mới đúng!
(*4) Hiểu như thế thì thật là nghịch lý. Đúng lý phải hiểu chức năng "vương đế" là chức năng "làm chủ". Người Kitô hữu nào cũng được mời gọi làm chủ: trước hết là làm chủ bản thân, rồi đến gia đình, xã hội, Giáo Hội, làm chủ ngoại cảnh. Có như thế thì mới phù hợp với phẩm chất là "hình ảnh của Thiên Chúa" chứ! "Bị trị" thì hoàn toàn nghịch nghĩa với "làm chủ"!

2) Về tính chuyên chính:

Giáo Hội cũng không khác gì những xã hội kia. Thật vậy, trong Giáo Hội, lập trường tư tưởng thần học nào khác với tư tưởng thần học truyền thống đều bị kết án! Nói chung, chỉ có một lập trường thần học chính thống duy nhất, không có "đối lập". Chính vì chủ trương thống nhất đức tin trong từng chi tiết mà biết bao giáo phái đã phải trở thành ly giáo! Cho đến ngày nay, Giáo Hội vẫn không thể chấp nhận tính đa dạng về mặt tư tưởng trong thần học. (*5)
(*5) Thần học gia nào có tư tưởng khác lạ thì lập tức bị khuyến cáo, cấm viết sách. Nếu vẫn kiên quyết với lập trường của mình thì có thể bị vạ tuyệt thông. Nếu bị vạ tuyệt thông mà vẫn tiếp tục kiên quyết với lập trường của mình thì trở thành ly giáo. Trong lịch sử Giáo Hội, có biết bao giáo phái ly giáo! Ngay cả những vị cột trụ về thần học của Giáo Hội như Karl Rahner, Yves Congar… cũng đã từng bị cấm giảng dạy, xuất bản sách…

3) Về tính đảng trị:

Nếu những xã hội kia là đảng trị, thì Giáo Hội là giáo sĩ trị. Trong những xã hội kia, muốn phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, hoặc muốn ngoi lên trong bậc thang xã hội thì phải vào đảng; còn trong Giáo Hội, nếu muốn phục vụ Giáo Hội cách hữu hiệu hoặc muốn tiến thân trên những bậc thang của Giáo Hội thì nhất thiết phải gia nhập hàng giáo sĩ. Không là giáo sĩ mà chỉ là giáo dân thì dù có tài đức đến đâu, cũng chỉ cao lắm là làm trưởng một hội đoàn công giáo tiến hành thôi! Có làm được tới đấy thì cũng vẫn luôn luôn phải dưới quyền một số giáo sĩ, dù tài đức hay tầm nhìn của những giáo sĩ này kém hơn mình! Khi Giáo Hội cần những người lãnh đạo, thì tuyệt đối chỉ chọn người đã gia nhập hàng giáo sĩ. Cho dù hàng giáo sĩ có thiếu người tài đức để chọn đến đâu thì Giáo Hội cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện tuyển chọn trong hàng ngũ giáo dân! (*6)
(*6) Thật ra đây cũng chẳng phải là truyền thống nguyên thủy của Giáo Hội, vì cho tới thế kỷ thứ 4, những người như thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, v.v… đều là người giáo dân được giáo dân bầu chọn và đưa thẳng lên làm giám mục, chẳng cần phải là giáo sĩ rồi mới được chọn. Giáo Hội đã bắt đầu bỏ truyền thống tốt đẹp này từ thế kỷ thứ 4 trở đi.

4) Về những đặc quyền đặc lợi mặc nhiên cho những người vào đảng:

Đảng viên có những đặc quyền đặc lợi một cách mặc nhiên, không nhất thiết phải tương xứng với tài đức, thì các giáo sĩ cũng tương tự như thế. Chẳng hạn về mặt kinh tế, những linh mục bình thường có thể kiếm tiền một cách dễ dàng hơn rất nhiều so với những giáo dân bình thường. Thử so sánh hai người có khả năng và đạo đức ngang nhau, sống trong cùng một phường hay quận, nhưng một người là linh mục, một người chỉ là giáo dân.

•Xét về thù lao cho công việc của hai người, ta thấy có một sự chênh lệch hết sức rõ ràng: một người phải vất vả lắm, phải làm việc cả ngày và suốt tháng mới kiếm được 3 triệu một tháng để nuôi cả gia đình, còn người kia có thể kiếm được gấp đôi hoặc cả 10 triệu một cách ngon lành mà công việc thì chẳng đến nỗi nặng nhọc, và cũng chẳng phải nuôi nhiều người bằng một giáo dân.

•Xét về trách nhiệm thì trách nhiệm của một linh mục được trải rộng trên nhiều người, nhưng trách nhiệm ấy chẳng đến nỗi cấp bách và nặng nề. Vả lại nặng nề hay không còn tùy thuộc vào lương tâm của mỗi người, và nói chung giáo sĩ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để chu toàn trách nhiệm của mình. Còn trách nhiệm của một giáo dân thường chỉ trải trên một số nhỏ người thôi, nhưng lại rất cấp bách và nặng nhọc, ít được tạo điều kiện thuận lợi để chu toàn.

Khi làm việc ngoài xã hội, thì người giáo dân dường như luôn luôn được trả công. Còn khi làm việc cho Giáo Hội thì sao? Người giáo dân nào muốn góp phần xây dựng Giáo Hội thì phải tự nguyện làm theo kiểu "công quả", ít khi được xét đến để trả công tương xứng, cho dù được nhờ làm. Phải chăng chỉ có Chúa là người duy nhất trả công bội hậu cho họ ở đời sau? Còn linh mục thì hầu như luôn luôn được Giáo Hội hoặc giáo dân "thù lao"(*7) một cách cụ thể và khá bội hậu. Không biết Chúa có còn phải "thù lao" thêm nữa không? Có thể nói giáo dân không được tạo điều kiện để có thể tích cực góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội. Họ ít được Giáo Hội quan tâm đào tạo, và có được đào tạo thì họ cũng không được tạo điều kiện để có thể dành nhiều thì giờ làm việc cho Giáo Hội như hàng giáo sĩ.
(*7) Nói "trả công" thì thật là xúc phạm!

5) Về chỗ đứng ngoài xã hội hay trong Giáo Hội:

Vừa được thụ phong linh mục là linh mục được mọi giáo dân – dù là già cả, là đáng tuổi cha mình – gọi bằng "cha", được mọi người xưng là "con" với mình một cách thật ngọt ngào, và mặc nhiên được đối xử và kính trọng không khác gì cha thật của họ. Một giáo dân có tài đức cách mấy, có được tôn trọng cách mấy thì cũng chẳng bao giờ có được một hân hạnh như vậy! Vì thế, nhiều người trong các ngài nghĩ rằng mình xứng đáng được như vậy, hay ít ra cách đối xử với người khác của các ngài chứng tỏ các ngài đang nghĩ như vậy.(*8) Vấn đề quan trọng không nằm ở chỗ các ngài được gọi bằng "cha", mà ở chỗ các ngài có đối xử với giáo dân đúng với tư cách "cha" của mình hay không?
(*8) Một số linh mục tự xưng mình là "cha" một cách rất tự nhiên, không phải chỉ với những kẻ nhỏ tuổi hơn mình, mà với cả những người lớn tuổi hơn mình, trí thức hơn mình! Cũng có những linh mục xưng hô "mày, tao" một cách cũng rất tự nhiên với cả những giáo dân lớn tuổi hơn mình, thậm chí bằng tuổi cha mình! (Tôi bảo đảm những điều này là rất thật!)
Sau đây là một sự kiện không phải là hiếm xảy ra mà biết bao giáo dân phải đau lòng nhận thấy. Có những người khi còn là "thầy" – tức thầy đại chủng viện – thì cử chỉ rất khiêm nhu, tinh thần đầy tính phục vụ, cách xử sự rất dễ thương. Nhưng chỉ một vài tháng hay một vài năm sau, khi người ấy đã biến thành "cha" – nghĩa là đã được thụ phong linh mục – thì cũng vẫn con người ấy nhưng đã có sự thay đổi: cử chỉ thì kênh kiệu hơn, tinh thần thì đổi thành "thích được phục vụ" hơn, thậm chí đòi hỏi phải được phục vụ, cách xử sự thì không còn dễ thương như trước.(*8) Nhiều giáo dân rất thắc mắc về sự kiện này, vì họ thấy chức thánh mà vị giám mục truyền cho một số linh mục quả thật có khả năng biến đổi linh mục ấy, nhưng lại một theo chiều hướng khá… ngộ nghĩnh! (*9)
(*8) Một số linh mục tự xưng mình là "cha" một cách rất tự nhiên, không phải chỉ với những kẻ nhỏ tuổi hơn mình, mà với cả những người lớn tuổi hơn mình, trí thức hơn mình! Cũng có những linh mục xưng hô "mày, tao" một cách cũng rất tự nhiên với cả những giáo dân lớn tuổi hơn mình, thậm chí bằng tuổi cha mình! (Tôi bảo đảm những điều này là rất thật!)
(*9) Một người cha dạy học cho con, dù là con đẻ hay con nuôi, không bao giờ lại đòi hỏi con mình phải trả thù lao cho mình thì mình mới dạy. Nếu đòi hỏi nó phải trả thù lao, ắt ông ta đã đối xử với con như một thầy giáo chứ không phải là cha! Thầy giáo mà lấy tiền học của học trò thì rất là chính danh, nhưng cha mà lấy tiền học của con thì chẳng chính danh chút nào! Thử hỏi một người cha đích thực khi lấy vợ lấy chồng cho con mình thì người cha ấy phải hy sinh thế nào, còn người "cha" làm linh mục khi người "con" là giáo dân lấy vợ lấy chồng thì ngài hy sinh cho người "con" ấy thế nào? Cách biểu lộ tình cảm thông thường của các linh mục trong những trường hợp giáo dân lập gia đình, hay chết có thật chính danh là "cha" của họ không? – Tôi nhận thấy thông thường, giáo dân xử sự với linh mục khá chính danh là người "con" của linh mục, nhưng cách xử sự của linh mục đối với giáo dân thì lại không chính danh là "cha" của họ.
Sự biến đổi trong nội tâm ra sao khó mà thấy được, nhưng sự biến đổi bề ngoài thì rất rõ rệt: bớt thánh thiện đi, lãnh đạm với mọi người hơn, thích làm cao hơn, "cái tôi" lớn hơn, phân biệt đối xử hơn, v.v… Tất cả những hiện tượng ấy xảy ra phải chăng vì khi làm linh mục, thì mặc nhiên người ấy có một số đặc quyền đặc lợi nào đó, mặc nhiên được tôn trọng, mặc nhiên lời nói trở nên "nặng ký" hơn, v.v… Sự biến đổi nhanh chóng và dễ dàng ấy chứng tỏ rằng bản lãnh của những linh mục được đào tạo còn rất yếu, mới sử dụng quyền bính và được hưởng một số đặc quyền đặc lợi một chút mà đã bị tha hóa rồi!

6) Xét về cách tạo uy thế và sự kính trọng:

Các chế độ độc tài thường thần thánh hóa các lãnh tụ, tìm đủ cách đề cao những người lãnh đạo cao cấp trong xã hội. Trong những đất nước dân chủ, không có sự thần thánh hóa này: sự kính trọng của người dân đối với những người lãnh đạo ở mức vừa phải, hợp lý, tùy theo đức độ và tài năng của người lãnh đạo. Còn trong Giáo Hội, phải nói rằng trong Giáo Hội, việc thần thánh hóa hàng giáo sĩ là có thật và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Chức linh mục được mặc nhiên coi là chức thánh, con người linh mục được mặc nhiên coi là con người thánh, cho dù có nhiều linh mục chẳng thánh một chút nào. Xúc phạm tới linh mục – nói xấu, đánh đập, v.v… – được mặc nhiên coi là một tội "phạm sự thánh". Còn cách nào đề cao các linh mục hơn như thế? (*10) Về phương diện này, các chế độ độc tài hẳn phải thua xa!
(*10) Trong cuốn "Tôi làm linh mục" và "Con tôi làm linh mục" xuất bản trước 1975, có những đoạn đề cao linh mục: linh mục cao trọng hơn các thiên thần, thậm chí ở một khía cạnh nào đó hơn cả Đức Maria!

7) Xét về quyền:

Linh mục được ban cho rất nhiều quyền hơn người giáo dân. Và quyền này – trên bình diện xã hội hoặc Giáo Hội – một cách nào đó, được xây dựng trên "cơ chế xin-cho". Một đặc trưng trong cơ cấu của những xã hội độc tài kia là "cơ chế xin-cho", thì trong Giáo Hội cũng có một đặc trưng y như thế suốt bao thế kỷ nay. Người giáo dân cứ việc tự do chọn lựa giữa xin và không xin, còn giáo sĩ thì cũng tự do chọn lựa giữa cho phép và không cho phép, giữa đồng ý và không đồng ý.

Dường như không có những luật lệ nhất định, khách quan, rõ ràng và mang tính tất yếu buộc người giáo sĩ phải cho phép hoặc phải đồng ý khi người giáo dân có đủ những điều kiện nào đó, mà nếu không cho phép hay đồng ý, thì giáo sĩ ấy phải bị chế tài một cách nào đó cụ thể. Tôi vừa mới chứng kiến một trường hợp hôn nhân có hoàn cảnh hơi đặc biệt mà cha sở của họ thì từ chối, điều đó buộc đôi nam nữ phải xin làm đám cưới ở một xứ khác. Cha ở xứ khác ấy thì chấp nhận, còn chính cha sở thì không. Đương nhiên người giáo dân ấy cũng phải biết điều với cha sở đã cho phép. "Cơ chế xin-cho" mà! Xin rồi được cho thì phải biết ơn chứ! "Cơ chế xin-cho" này mặc nhiên biến giáo sĩ thành những kẻ ban ơn, và biến giáo dân thành những kẻ thụ ơn!

Giáo dân nào có tính bất khuất không chịu thụ ơn, không chấp nhận "cơ chế xin-cho" thì sẽ bị kẹt ngay về phần linh hồn, rất có thể bị nguy hiểm cho phần rỗi, vì sẽ chẳng được "ăn mày các phép"! Thanh niên Công giáo làm đám cưới mà không vào nhà thờ chịu phép hôn phối thì bị mọi người coi là phường vô đạo! Chết mà không được cha làm phép xức dầu hay làm lễ an táng trong nhà thờ thì thật là vô phúc! Muốn được mấy thứ ấy thì phải xin cha, và sau khi xin được thì phải biết ơn cha, phải tạ cha! (*11) Đó chính là "cơ chế xin-cho"!
(*11) Điều này đã trở thành một tập tục rất thông thường trong các xứ đạo, nhất là những xứ đạo người Bắc! Khiến cho ai không làm như thế thì cảm thấy hết sức ái ngại! Họ thắc mắc không biết khi họ không làm như thế thì vị linh mục có cảm thấy khó chịu, và coi đó là một sự bất thường không?
Nhiều cha sở cứ y như là một ông vua phong kiến ở trong xứ đạo của mình. Có rất nhiều trường hợp cha sở rất dễ dãi đối với loại người này, nhưng lại rất khó khăn đối với loại người kia. Cơ chế xin-cho đã biến cha sở thành một ông vua hay ông quan có nhiều quyền lực đối với giáo dân của mình. Có quyền lực là có thể có rất nhiều thứ khác. Một xã hội mà tạo nên hai hạng người – hạng người phải xin mới hy vọng được điều mình cần, và hạng người có quyền cho hay không cho – thì trong xã hội ấy lập tức phát sinh thái độ cầu cạnh, khúm núm, luồn cúi, nô lệ, nịnh nọt, hối lộ, tham nhũng, v.v… Thật là buồn cười khi nghĩ đến chuyện đã tới thiên niên kỷ thứ ba rồi mà điều đó vẫn còn tồn tại trong Giáo Hội Việt Nam hiện nay như một việc hết sức bình thường và tự nhiên. Có lẽ lương tâm của nhiều người không còn khả năng ngạc nhiên trước tình trạng này! Đó cũng lại là điều đáng ngạc nhiên nữa!


Ảnh hưởng của mô hình ấy
trên tâm thức những người đang tiến tới chức linh mục hay giáo sĩ


Điều quan trọng và cần phải nghiêm túc xét tới là động cơ của những người đang muốn tiến tới chức linh mục hay tu sĩ. Khi linh mục hay tu sĩ được quá nhiều ưu đãi, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội và Giáo Hội so với người giáo dân, thì lập tức chức vụ đó sẽ hấp dẫn rất nhiều người đạt tới. Hiện nay, ở nước ta, ơn kêu gọi làm linh mục và tu sĩ phải nói là hết sức phong phú. Đó cũng là điều đáng mừng, nhưng cũng là điều đáng lo.

Nếu các thiếu niên hay thanh niên đi tu nhiều như thế chỉ với mục đích phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và tha nhân, thì quả là "phúc bảy mươi đời" cho Giáo Hội và xã hội. Nhưng nếu đa số đi tu chủ yếu để có được một cơ hội tiến thân dễ dàng trong Giáo Hội hay xã hội, hơn là để phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và tha nhân, thì điều ấy sớm muộn gì cũng sẽ trở thành một tai họa cho Giáo Hội. Hiện nay, tôi đã đích thân nghe một số bề trên hoặc giáo sư trong các chủng viện và dòng tu than phiền về chất lượng của các chủng sinh hay đệ tử của mình. Tai tôi cũng được nghe rất nhiều giáo dân than phiền về các linh mục của họ. Tôi không ngạc nhiên, vì cho đó là hậu quả tất yếu của một mô hình cơ cấu Giáo Hội đã lỗi thời, lỗi thời không khác gì những cơ cấu xã hội có những đặc tính tương tự.

Trong guồng máy giáo dục, "đầu vào" (input) không chất lượng thì "đầu ra" (output) làm sao có chất lượng được? Nhất là khả năng giáo dục trong các chủng viện và dòng tu hiện nay ở nước ta rất giới hạn, vì thiếu tự do trong việc tuyển chọn những người giáo dục. Người thích hợp nhất, có khả năng và đạo đức nhất, luôn thao thức và sẵn sàng dấn thân cống hiến đời mình cho việc giáo dục thì các giám mục thường không được phép chọn vào tu viện làm người giáo dục hay đào tạo chủng sinh, mà đành phải chấp nhận chọn những người kém hơn, ít thích hợp hơn ("cơ chế xin-cho" của xã hội mà!)

Một trong những điều cụ thể đang bị các bề trên chủng viện hay dòng tu than phiền là các chủng sinh hay đệ tử không thành thật trong các kỳ thi mãn khóa hay mãn kỳ. Ngày xưa, trước 1975, bất kỳ một chủng sinh hay đệ tử nào gian lận trong các kỳ thi đều bị phạt ở mức độ nặng nhất (thường là buộc phải từ bỏ ơn gọi tu trì). Ngày nay, việc thi cử gian lận trong các trường đào tạo chủng sinh hay tu sĩ cũng khá phổ biến… Điều này cũng thật dễ hiểu nếu nghĩ đến động lực đã thúc đẩy các chủng sinh hay tu sĩ ấy đi tu. Đi tu để làm "quan đạo" thì cần gì phải thành thật như thế, nhỡ không đạt được mục đích thì sao?! Thật là một điều đáng lo ngại cho chất lượng của các linh mục và tu sĩ tương lai.


Một số đề nghị sửa đổi

Muốn những tình trạng trên không còn xảy ra, muốn cải tạo chất lượng của các chủng sinh, đệ tử, hay các linh mục được đào tạo, mà chỉ dùng những biện pháp này biện pháp kia thì chỉ là cải tạo cái ngọn. Cái gốc của sự băng hoại này nằm ở trong mô hình cơ chế của Giáo Hội. Muốn cải thiện thì phải cải thiện từ gốc chứ cải thiện ở trên ngọn thì chỉ tốn công, vì sau cùng thì đâu lại vào đấy!

Sự cải thiện từ gốc thì chỉ có những bậc có trách nhiệm lớn nhất trong Giáo Hội địa phương mới có khả năng làm nổi. Và có bắt đầu làm thì ít nhất cũng phải mấy thập niên mới có kết quả. Nhưng nếu không bắt đầu thì chỉ có nước chờ Giáo Hội trở thành một thứ "muối đã lạt, chỉ còn nước quăng ra ngoài cho người ta chà đạp" thôi (Mt 5,13). Các bề trên của các chủng viện hay dòng tu chỉ có thể góp ý lên các vị chủ chăn trong Giáo Hội để chính các vị cải thiện tận gốc mà thôi. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi một đáp ứng từ phía trên, các chủng viện và các dòng tu cần phải quan tâm tới việc "thanh lọc" và "thanh luyện" động cơ thúc đẩy các tu sinh tiến tới chức linh mục hay tiếp tục đời sống tu trì.

Phải "thanh lọc" đầu vào (input): chỉ nhận vào chủng viện và dòng tu những người có động lực phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và tha nhân, đồng thời thật sự muốn dấn thân loan báo Tin Mừng cho mọi người. Phải tìm đủ mọi cách có thể để xác định được động lực của từng ứng viên. Hãy dứt khoát loại bỏ những người không có động lực ấy dù đạo đức hay khả năng cá nhân của họ có tốt hay giỏi đến đâu đi nữa. Trong tiêu chuẩn để nhận vào chủng viện hay dòng tu, phải coi động lực là yếu tố tối quan trọng chứ không phải là đạo đức hay khả năng cá nhân.

Phải "thanh luyện" động lực của những người đã được nhận vào: Luôn luôn phải củng cố tình yêu đối với Thiên Chúa, Giáo Hội và tha nhân, tinh thần nhiệt thành với công việc tông đồ. Phải có một chuyên viên thật sự có khả năng về huấn luyện tâm linh để giúp các chủng sinh hay đệ tử loại bỏ những động lực trần tục trong việc tu trì. Phải coi yếu tố này là yếu tố chủ yếu trong việc đào tạo đạo đức và tâm linh. Cần nhấn mạnh nhiều hơn đến chức năng "làm chủ" (=vương đế), "làm chứng" (=ngôn sứ). Trước đây, Giáo Hội chủ huấn (Église enseignante) đã quá chú trọng tới chức năng "làm lễ" (=tư tế) mà coi nhẹ hai chức năng kia. Điều này củng cố "cơ chế xin-cho" trong Giáo Hội, tăng uy thế và tạo thêm đặc quyền đặc lợi cho hàng giáo sĩ. Điều ấy còn có phần nào làm tăng thêm độ giống nhau giữa các linh mục và những "thầy cúng" ở trong mấy tôn giáo khác, đồng thời cũng biến việc thờ phượng mang nhiều tính hình thức. Hãy xét lại xem Đức Giêsu thường chú trọng tới chức năng nào.

Chỉ nên chấp nhận cho làm linh mục những người chứng tỏ được lòng nhiệt thành với Giáo Hội và các linh hồn, hơn là dựa vào tiêu chuẩn đạo đức cá nhân. Linh mục là người của Giáo Hội và xã hội, chứ không phải là của bản thân mình, nên tính giáo hội (ecclesialité) và xã hội (sociabilité) phải rất cao.

Khá nhiều linh mục không có ý thức về xã hội, về trách nhiệm đối với xã hội, làm như làm linh mục thì chỉ có trách nhiệm đối với Giáo Hội chứ không còn trách nhiệm đối với xã hội nữa! Nhiều linh mục không có ý thức về công bằng xã hội: có những cha có thể để người khác nấu ăn cho mình suốt đời mà không hề nghĩ tới chuyện trả lương xứng đáng cho họ! Có những cha nhờ các soeurs làm đủ mọi việc: giúp dạy giáo lý, dọn đồ lễ, coi ca đoàn, thậm chí giặt quần áo cho mình, mà chẳng hề nghĩ đến công lao của họ một cách xứng đáng! Có những cha còn coi các soeurs như người ở của mình! Nhiều cha không trân trọng và đối xử công bằng cho đủ đối với những người cộng tác với mình, giúp mình thi hành tốt chức vụ linh mục! Cách đây mấy năm, tại Hố Nai, thuộc giáo phận Xuân Lộc, có một cha xứ bạt tai một nữ tu ngay trong nhà thờ, trước mặt giáo dân tới dự lễ hôm đó, chỉ vì một chuyện không đáng! Phải nói đó là một scandale trong Giáo Hội!

Thiết tưởng đã là Kitô hữu thì phải có một mức độ lịch sự tối thiểu buộc phải có đối với tha nhân, bất kỳ là ai, chưa nói tới tình thương hay bác ái. Thiết tưởng các linh mục cũng cần được nhắc nhở về những lịch sự tối thiểu này. Đây là một thực tế do chính tôi cảm nghiệm: tới nhà các giáo dân, tôi thường được mời ít nhất một ly nước trà hay nước lạnh, có người mời một điếu thuốc, họ coi đó như một cái gì tối thiểu phải làm để tỏ lòng tôn trọng hay quí mến khách. Nhưng tới nhà các linh mục, tôi thấy họa hiếm lắm mới có linh mục cho uống nước! Các giáo dân khác cho tôi biết họ cũng thấy như thế. Điều đó nói lên cái gì?

Một trong những điều dễ thấy nơi nhiều linh mục là không thích nghe ai góp ý, không thích nghe ai nói ngược với mình! Cái gì cha nói, cha nghĩ cũng đều đúng, không cần phải bàn lại! Khi xây nhà thờ, cha tỏ ra giỏi hơn cả kiến trúc sư! Trong nhiều lãnh vực, cha tỏ ra thông thạo hơn cả các nhà chuyên môn về những lãnh vực ấy! Đã giỏi hơn, thông thạo hơn, thì ắt chẳng cần phải nghe góp ý làm gì!


Mong chờ và hy vọng

Ý thức về dân chủ, tự do, bình đẳng trong xã hội đã bắt đầu từ thế kỷ 18 với Montesquieu (1689-1755), và càng ngày càng được thế giới nhìn nhận là những yếu tố nền tảng và căn bản để người dân sống hạnh phúc, để xã hội được thăng tiến. Các quốc gia trên thế giới ngày càng nỗ lực để thực hiện ý thức đó trong đất nước của mình. Những quốc gia không tôn trọng những yếu tố nền tảng ấy đều bị thế giới lên án.

Còn Giáo Hội thì sao? Ý thức về dân chủ, tự do, bình đẳng đã được nhấn mạnh và tôn trọng trong Giáo Hội chưa? Theo tinh thần Hiến chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II, Giáo Hội phải đồng hành với con người, phải hòa nhập và thích ứng với thế giới. Nhưng dường như Giáo Hội vẫn có phần nào là một ốc đảo. Những ý niệm về dân chủ, tự do, bình đẳng dường như vẫn là những ý niệm xa lạ với nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội! Một cách nào đấy, Giáo Hội vẫn giống với một xã hội độc tài, đảng trị, và độc đảng, như đã nói trên. Điều ấy chắc chắn có hại cho sự phát triển của Giáo Hội, khiến Giáo Hội bị coi là tụt hậu, bảo thủ…

Rất mong Giáo Hội có một tinh thần khoáng đạt hơn, mạnh mẽ hơn, dấn thân hơn, chú trọng tới nội dung và tinh thần hơn hình thức và vật chất.

Trong ý thức về dân chủ, tự do, bình đẳng, rất mong Giáo Hội tạo điều kiện đồng đều cho mọi thành phần trong Giáo Hội có khả năng góp phần xây Giáo Hội, thay vì chỉ quan tâm tới một thành phần vốn được ưu đãi xưa nay…
Riêng về các linh mục và tu sĩ, rất mong những thế hệ linh mục và tu sĩ tương lai của Giáo Hội ngày càng có chất lượng hơn, về mọi mặt, tài năng, kiến thức, nhất là về mặt đạo đức và đời sống tâm linh. Chỉ như thế Giáo Hội mới hoàn thành được sứ mạng mà Đức Giêsu giao phó cho Giáo Hội.


Nguyễn Chính Kết
 

1 comment:

  1. Rất đồng ý với tác giả bài viết xin góp ý với tác giả nên gửi về cho hàng giáo phẩm VN, hy vọng các Ngài ngộ ra.

    ReplyDelete